Kế hoạch thuế quan đối ứng của Tổng thống Trump sẽ đe dọa kinh tế toàn cầu thế nào?
Theo nhận định của tờ The New York Times ngày 16/2, khi bắt đầu quá trình áp đặt thuế quan đối ứng lên các đối tác thương mại của Mỹ, Chính phủ của Tổng thống Donald Trump có thể gây bất ổn và lạm phát.
Nền kinh tế toàn cầu vốn đã phải chật vật với một loạt các biến số khó hiểu, từ các xung đột địa chính trị và tốc độ kinh tế Trung Quốc chậm lại, đến những phức tạp đang phát sinh của biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Trump đã tung ra một kế hoạch nhằm xoá bỏ chính sách thương mại được áp dụng hàng thập kỷ qua.
Khó khăn với thuế quan đối ứng
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington D.C., ngày 14/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN |
Về cơ bản, lý lẽ của Tổng thống Trump khi áp thuế quan đối ứng khá đơn giản: các công ty Mỹ phải chịu mức thuế nào khi xuất khẩu hàng hóa sang một quốc gia thì Mỹ cũng nên áp dụng mức thuế đó đối với hàng nhập khẩu từ quốc gia đó. Ông Trump từ lâu đã bảo vệ nguyên tắc này, coi đây là một vấn đề đơn giản và công bằng để bù đắp cho thực tế rằng nhiều đối tác thương mại của Mỹ áp dụng mức thuế cao hơn.
Tuy nhiên, trong thực tế, tính toán mức thuế cho hàng nghìn sản phẩm của hơn 150 quốc gia là một thách thức khổng lồ đối với một loạt công ty, từ những nhà sản xuất Mỹ phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu cho đến các nhà bán lẻ mua hàng hóa từ nước ngoài.
Ông Ted Murphy, chuyên gia thương mại quốc tế tại Sidley Austin (một công ty luật ở Washington) nhận định: “Đây có thể là một nhiệm vụ khổng lồ. Với mỗi loại hàng hóa, mỗi hạng mục thuế quan, có thể có đến 150 mức thuế khác nhau cho sản phầm từ Albania đến Zimbabwe”.
Sắc lệnh mà ông Trump ký vào ngày 13/2 đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu cách tiến hành áp đặt các thuế quan đối ứng. Điều này có thể làm tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ trong bối cảnh mối lo ngại về lạm phát ngày càng gia tăng, khiến Tổng thống Trump khó thực hiện cam kết giảm giá các mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm và các vật dụng hàng ngày. Đồng thời, sắc lệnh này cũng làm tăng khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang trì hoãn hạ lãi suất vay mượn.
Sắc lệnh cũng đẩy nhanh quá trình suy giảm của hệ thống thương mại toàn cầu, vốn từ lâu đã dựa trên các khối đa phương và được điều chỉnh bởi Tổ chức Thương mại Thế giới. Ông Trump đang hướng tới một kỷ nguyên mới, trong đó các hiệp định thay thế bằng các cuộc đàm phán giữa các quốc gia.
Thay đổi này sẽ tạo thêm gánh nặng cho các chuỗi cung ứng toàn cầu sau nhiều năm biến động. Các doanh nghiệp quốc tế đã phải đối mặt với cuộc chiến thương mại đang nảy sinh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Họ đã gặp phải những trở ngại khi vận chuyển qua các kênh đào Suez và Panama, khiến giá vận chuyển tăng vọt. Bây giờ, ông Trump lại đặt ra cho họ một vấn đề khó khăn khác.
Theo hệ thống đã chi phối suốt ba thập kỷ qua, các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới thiết lập thuế quan cho mọi loại hàng hóa, áp dụng cùng một mức cơ bản cho tất cả các thành viên. Họ cũng đã đàm phán các hiệp định với các quốc gia khác và qua các khối thương mại khu vực nhằm giảm nhẹ thuế quan hơn nữa.
Ông Trump từ lâu đã coi Mỹ là nạn nhân của cấu trúc này và thường lấy ví dụ về thâm hụt thương mại với Trung Quốc, Mexico và Đức. Trong thông báo về áp dụng các thuế quan đối ứng vào ngày 13/2, ông đã báo hiệu rằng mình có quyền lực để đàm phán lại các điều khoản theo ý muốn, mà không cần tôn trọng các hiệp định thương mại hiện có.
Có vẻ như không phải ngẫu nhiên khi ông Trump công bố thông báo của mình vào ngày Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, đến thăm Nhà Trắng. Mỹ đang có một mức thâm hụt thương mại đáng kể với Ấn Độ, khi giá trị hàng hóa nhập khẩu vượt so với xuất khẩu của nước này năm ngoái tới 45 tỷ USD.
Những mặt hàng nhập khẩu đó bao gồm nhựa và các sản phẩm hóa chất, chịu thuế quan dưới 6% khi được vận chuyển vào Mỹ. Trong khi đó, khi các loại hàng hóa tương tự của Mỹ được xuất khẩu sang Ấn Độ, chúng phải chịu mức thuế từ 10 đến 30%.
Nếu chính quyền của Tổng thống Trump quyết định nâng các loại thuế của Mỹ lên mức ngang nhau, điều đó sẽ buộc các nhà máy Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm hóa chất và nhựa.
Điều tương tự cũng tồn tại đối với một loạt các sản phẩm tiêu dùng và công nghiệp, từ máy móc và nông sản của Brazil đến hàng dệt may và cao su của Indonesia.
Tổn hại tới kinh tế Mỹ và toàn cầu
![]() |
Nhôm được sản xuất tại nhà máy ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN |
IPC (một hiệp hội thương mại hàng đầu trong ngành điện tử) đã cảnh báo rằng tăng cường chủ nghĩa bảo hộ thương mại sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ.
Chủ tịch hiệp hội IPC, ông John W. Mitchell cho biết trong một tuyên bố: “Các loại thuế mới sẽ làm tăng chi phí sản xuất, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và đẩy sản xuất ra nước ngoài, càng làm suy yếu thêm nền tảng ngành điện tử của Mỹ”.
Một số chuyên gia cho rằng cách tiếp cận của ông Trump có thể là một chiến thuật đàm phán nhằm ép các đối tác thương mại giảm thuế, thay vì là tiền đề để Mỹ hạ thuế quan của mình. Nếu điều đó đúng, quá trình tính toán các mức thuế mới có thể thực sự làm giảm giá cả.
Bà Christine McDaniel, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Mercatus thuộc Đại học George Mason ở Virginia, nhận định: “Có rất nhiều cách mà điều này có thể diễn ra rất tệ đối với chúng ta. Nhưng nếu Tổng thống Trump có thể khiến các quốc gia khác mở cửa thị trường, thì sẽ có một con đường hẹp mà điều này có thể thúc đẩy thương mại”.
Còn lại, một số người cảnh báo rằng quá trình đàm phán có thể bị chi phối bởi lợi ích của các đồng minh của ông Trump. Tesla - công ty xe điện của tỷ phú Elon Musk - có thể được hưởng lợi khi không bị tăng thuế đối với các linh kiện chủ chốt.
Tình trạng biến động này khiến các công ty hoạt động tại Mỹ phải đoán mò xem các sự kiện sẽ diễn ra như thế nào khi họ cân nhắc chi phí nhập khẩu linh kiện hoặc hàng hóa thành phẩm.
Từ khi ông Trump đảm nhiệm chức vụ tổng thống lần đầu, khi ông áp dụng thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và ông Joe Biden giữ nguyên, các công ty bán hàng vào thị trường Mỹ đã chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Giá vận chuyển hàng bằng container tăng vọt đã thúc đẩy các công ty rút ngắn khoảng cách giữa các nhà máy và khách hàng Mỹ.
Tập đoàn bán lẻ Walmart đã chuyển các đơn hàng từ các nhà máy Trung Quốc sang Ấn Độ và Mexico. Tập đoàn Columbia Sportswear đã tìm kiếm các địa điểm nhà máy ở Trung Mỹ. MedSource Labs, một nhà sản xuất thiết bị y tế, đã chuyển các đơn hàng từ các nhà máy ở Trung Quốc sang một cơ sở sản xuất mới tại Colombia.
Ông Trump đã cảnh báo áp dụng mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico, Canada và Colombia, rồi nhanh chóng hoãn lại những kế hoạch đó. Ông đã áp dụng mức thuế chung cho thép và nhôm, đồng thời đưa ra mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Thế giới đang chờ xem tiếp theo ông sẽ áp thuế mức nào với các mặt hàng của quốc gia nào.
Một số người cho rằng sự khó đoán phát sinh từ những động thái này chính là mục đích của ông. Ông Trump từ lâu khẳng định rằng mục tiêu tối thượng của mình là buộc các doanh nghiệp thiết lập các nhà máy tại Mỹ - cách duy nhất để tránh được thuế quan của Mỹ. Càng có nhiều quốc gia bị ông cảnh báo áp thuế cao thì rủi ro càng lớn đối với công ty nào đầu tư xây dựng nhà máy ở nước ngoài.
Vấn đề là ngay cả những doanh nghiệp có cơ sở sản xuất ở Mỹ cũng phụ thuộc vào linh kiện và nguyên liệu từ khắp nơi trên thế giới. Hơn 1/4 hàng nhập khẩu của Mỹ là linh kiện, thành phần và nguyên liệu. Làm cho những mặt hàng này trở nên đắt đỏ hơn sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các công ty nội địa, từ đó đe dọa công ăn việc làm của người Mỹ.
Tuần trước, Ford Motor đã cảnh báo rằng thuế quan áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada sẽ gây tàn phá cho chuỗi cung ứng. Giám đốc điều hành của công ty, Jim Farley cho biết: “Một mức thuế 25% áp với Mexico và Canada sẽ tạo ra một lỗ hổng trong ngành công nghiệp của Mỹ mà chúng ta chưa từng thấy”.
Hiện tại, giới doanh nghiệp đang cố gắng giải mã xem những tuyên bố nào của ông Trump chỉ là một chiến lược và những tuyên bố nào báo hiệu sẽ có những thay đổi thực sự.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc