Cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Putin và Trump: Cơ hội thực sự cho hòa bình?
Cuộc điện đàm hiếm hoi giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thắp lên hy vọng về một hướng tiếp cận ngoại giao mới.
Theo Giáo sư Anuradha Chenoy, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á thuộc Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), cuộc điện đàm này có thể là dấu hiệu cho thấy một tiến trình hòa bình đang hình thành.
![]() |
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tại cuộc gặp ở Osaka, Nhật Bản ngày 28/6/2019. Ảnh: Getty Images/TTXVN |
Trong một bài viết trên Sputnik, bà Chenoy nhận định đề xuất ngừng bắn có điều kiện của Tổng thống Putin, dựa trên một bản ghi nhớ với Ukraine, là một đề xuất hợp lý. Nga đang có lợi thế quân sự và dường như sẵn sàng đổi cơ hội này để đạt được một nền hòa bình bền vững.
Cuộc điện đàm còn phản ánh mức độ tin tưởng giữa Tổng thống Putin và ông Trump - điều không dễ có trong bối cảnh phần lớn các nước châu Âu vẫn bám sát lập trường ủng hộ Ukraine từ đầu cuộc xung đột. Việc chính quyền của Tổng thống Trump đảm nhận vai trò trung gian được xem là khác biệt so với những tổng thống tiền nhiệm.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Chenoy, bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng cần mang tính thực chất, chứ không chỉ là một khoảng dừng tạm thời trước khi chiến tranh leo thang. Và theo bà, vai trò bảo đảm của Mỹ trong tiến trình này là yếu tố then chốt.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho rằng cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo phản ánh một động lực mới trong quan hệ Nga - Mỹ.
“Lần này, cả hai dường như đối thoại trên tinh thần bình đẳng, sẵn sàng tiếp cận mọi vấn đề một cách toàn diện. Ông Trump hiểu rõ mối quan tâm an ninh của Nga, đặc biệt là nguyên tắc ‘an ninh không thể chia cắt’ ở châu Âu và toàn cầu”, bà lập luận.
Theo Giáo sư Chenoy, ông Trump muốn thúc đẩy một thỏa thuận với Nga không chỉ để cứu sống nhiều sinh mạng, mà còn nhằm giảm gánh nặng tài chính cho Mỹ, đồng thời đem lại lợi ích kinh tế lâu dài.
Ngày 19/5, Tổng thống Putin đã điện đàm với ông Trump trong hơn hai giờ, nội dung chính xoay quanh cuộc xung đột tại Ukraine. Sau cuộc trò chuyện, ông Putin tuyên bố rằng Nga sẵn sàng phối hợp với Ukraine để soạn thảo một bản ghi nhớ cho một thỏa thuận hòa bình tiềm năng. Ông mô tả cuộc đối thoại là “thẳng thắn, có thực chất và hiệu quả”.
Trong bài phát biểu trước truyền thông, ông Putin cho biết hai bên đã thống nhất về việc Nga sẽ đưa ra bản đề xuất nêu rõ các nguyên tắc, khung thời gian và điều kiện cần thiết cho một thỏa thuận hòa bình – trong đó có khả năng bao gồm một lệnh ngừng bắn tạm thời.
Ông nhấn mạnh rằng mục tiêu quan trọng nhất của Nga là “loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine”, đồng thời khẳng định rằng Nga vẫn kiên định trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình.
Tổng thống Nga cũng đánh giá cao lập trường của ông Trump trong ủng hộ chấm dứt xung đột và khôi phục đối thoại trực tiếp giữa Moskva và Kiev vốn từng bị gián đoạn vào năm 2022.
Sau cuộc điện đàm, ông Trump đã có bài phát biểu tại Nhà Trắng và đăng tải trên nền tảng Truth Social, thông báo rằng Nga và Ukraine sẽ “ngay lập tức khởi động đàm phán” về một lệnh ngừng bắn và quan trọng hơn, là việc chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến.
Ông Trump bày tỏ sự thất vọng với quy mô viện trợ khổng lồ của Mỹ cho Ukraine – vượt xa mức đóng góp của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông cho rằng xung đột này không phải là trách nhiệm trực tiếp của Mỹ và cam kết theo đuổi giải pháp ngoại giao để kết thúc.
![]() |
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước Quốc hội liên bang ở Moskva. Ảnh: THX/TTXVN |
Khi được hỏi về “lằn ranh đỏ” có thể khiến Mỹ từ bỏ vai trò trung gian hoặc tăng cường can dự quân sự, ông Trump từ chối nêu cụ thể: “Tôi có ranh giới nhất định, nhưng nói ra lúc này sẽ khiến đàm phán khó khăn hơn”.
Ngay sau đó, ông cũng điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và một số nhà lãnh đạo châu Âu – trong đó có các nguyên thủ Pháp, Đức, Italy, Phần Lan – để thông báo nội dung cuộc trao đổi với ông Putin. Theo ông Trump, tinh thần cuộc gọi với Tổng thống Nga là tích cực, và cả hai bên đều bày tỏ mong muốn mở rộng thương mại sau khi xung đột kết thúc. Ông cũng nói rằng Ukraine có thể hưởng lợi từ các hoạt động thương mại trong quá trình tái thiết đất nước.
Vòng đàm phán hòa bình đầu tiên giữa Nga và Ukraine đã bị gián đoạn vào mùa xuân năm 2022, khi phía Ukraine đơn phương rút lui.
Theo các nhà quan sát, cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin, nếu tiếp tục được cụ thể hóa bằng hành động, có thể mở ra một hướng đi mới cho tiến trình hòa bình Ukraine – vốn đã bị đình trệ trong thời gian dài. Dù còn nhiều ẩn số, nhưng rõ ràng hai bên đã phát đi tín hiệu sẵn sàng đối thoại, và vai trò của Mỹ – dù dưới bất kỳ chính quyền nào – sẽ tiếp tục là nhân tố then chốt định hình kết cục của cuộc xung đột này.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc