ASEAN thảo luận về Kế hoạch tổng thể 2025 trong lĩnh vực tài chính
Nhóm công tác Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFCDM-WG) đã thảo luận về việc xây dựng Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 theo kế hoạch công tác năm 2022 và 2023 của khối trong lĩnh vực tài chính.
Trong tuyên bố ngày 11/2, Phó Thống đốc Ngân hàng Indonesia Dody Budi Waluyo bày tỏ: “Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN, Indonesia sẽ phối hợp với tất cả các nước thành viên để rà soát lĩnh vực tài chính của ASEAN nhằm phản ứng kịp thời với những thay đổi và thách thức khác nhau”.
Theo ông Waluyo, nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia được kỳ vọng sẽ thúc đẩy vai trò tích cực của cả khối, đưa ra các sáng kiến và giải pháp nhằm tăng cường phục hồi kinh tế, đưa khu vực Đông Nam Á trở thành động lực tăng trưởng bền vững của thế giới.
Cuộc họp AFCDM-WG diễn ra từ ngày 6-10/2 tại Bali đã khởi động chuỗi các sự kiện của Năm Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 trong lĩnh vực tài chính. Đây là cuộc họp toàn thể cấp kỹ thuật nhằm thảo luận về kết quả những cuộc họp của ủy ban công tác trước đó và các chương trình nghị sự hợp tác trong lĩnh vực tài chính, trong đó có các Kết quả ưu tiên kinh tế (PED) do Indonesia đề xuất.
Áp-phích cổ động Năm Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023. Ảnh: TTXVN |
Tại cuộc họp, ông Waluyo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong việc tiếp tục các tiến trình hiện có, vốn tác động đến nền kinh tế ASEAN, đồng thời cho phép khu vực có khả năng thích ứng với những thay đổi và ứng phó với các thách thức.
Hợp tác liên ngành trong trụ cột kinh tế ASEAN và các PED do Indonesia đề xuất cũng được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường hợp tác kinh tế và tài chính nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế và khả năng ứng phó của ASEAN trước những bất ổn và thách thức toàn cầu.
Cũng tại cuộc họp, người đứng đầu Cơ quan Chính sách Tài khóa thuộc Bộ Tài chính Indonesia - ông Febrio Nathan Kacaribu - cho rằng, hợp tác tài chính trong khu vực ASEAN cần được quản lý một cách thận trọng. Ông Kacaribu đánh giá 3 PED - tập trung vào các vấn đề y tế; cơ sở hạ tầng tài chính; thuế quốc tế; số hóa tài chính bao trùm cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; và tài chính bền vững - rất hữu ích cho khu vực.
Theo ông Kacaribu, 5 chương trình nghị sự nói trên sẽ góp phần đẩy mạnh hợp tác và hội nhập tài chính ASEAN trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025, đồng thời sẽ hỗ trợ Đông Nam Á ứng phó với các thách thức toàn cầu và đảm bảo phục hồi kinh tế chung.
Ông Kacaribu khẳng định 3 trụ cột thúc đẩy PED của Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 trong lĩnh vực tài chính là tái thiết và phục hồi, phát triển bền vững và kinh tế số. Trong đó, PED khuyến khích phục hồi và đảm bảo ổn định kinh tế, tài chính và khả năng ứng phó của khu vực.
Trong trụ cột kinh tế số, PED thúc đẩy kết nối thanh toán, tăng cường kiến thức tài chính số và hòa nhập nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bao trùm. Đối với trụ cột bền vững, PED thúc đẩy chuyển đổi tài chính nhằm hỗ trợ tài chính bền vững và nền kinh tế xanh.
Các chương trình khác nhau thuộc PED đã được thảo luận trong 10 cuộc họp của ủy ban công tác do Bộ Tài chính, Ngân hàng Indonesia và Cơ quan Dịch vụ Tài chính (OJK) chủ trì. Kết quả của các cuộc họp này sẽ được báo cáo và thảo luận tại những cuộc họp sắp tới của AFCDM-WG, trước khi được trình lên Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN vào cuối tháng 3 tới.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc