Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Brunei

18:07, 11/02/2023

Sáng 11/2, sau cuộc hội kiến các thành viên Hoàng gia Brunei Darussalam tại Hoàng cung Istana Nurul Iman, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội đàm với Quốc vương Hassanal Bolkiah.

Phía Brunei đã dành nghi lễ lễ tân đặc biệt khi toàn bộ thành viên hoàng gia đón và tham dự cuộc tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Quốc vương Hassanal Bolkiah nồng nhiệt chào mừng và đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Brunei Darussalam của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, giúp tạo động lực mới thúc đẩy hợp tác hai nước phát triển ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. 

Quốc vương Brunei bày tỏ hài lòng với việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện nhân chuyến thăm của Quốc vương tới Việt Nam năm 2019; đồng thời trân trọng chuyển lời hỏi thăm tới Lãnh đạo cấp cao Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Quốc vương Hassanal Bolkiah - Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Quốc vương Hassanal Bolkiah. Ảnh: VGP

Quốc vương cũng chúc mừng Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, nhanh chóng phục hồi với tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất khu vực; khẳng định Brunei luôn coi trọng và mong muốn không ngừng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục và nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, nồng ấm của Quốc vương và Hoàng gia Brunei; trân trọng chuyển lời thăm hỏi thân tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Quốc vương và Hoàng gia.

Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ vui mừng đến thăm đất nước đã gắn liền với dấu mốc hội nhập quốc tế quan trọng của Việt Nam, khi chính tại thủ đô Bandar Seri Begawan tháng 7/1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN; khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện với Brunei.

Thủ tướng Chính phủ chúc mừng những thành tựu của Brunei trong phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, tin tưởng Brunei sẽ sớm thực hiện thành công Tầm nhìn Brunei 2035 (Wawasan Brunei 2035), trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển năng động và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ chúc mừng những thành tựu của Brunei trong phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, tin tưởng Brunei sẽ sớm thực hiện thành công Tầm nhìn Brunei 2035 (Wawasan Brunei 2035) - Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ chúc mừng những thành tựu của Brunei trong phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, tin tưởng Brunei sẽ sớm thực hiện thành công Tầm nhìn Brunei 2035 (Wawasan Brunei 2035). Ảnh: VGP

Hai nhà Lãnh đạo đánh giá cao sự phát triển hiệu quả của quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Brunei Darussalam trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, an ninh, quốc phòng, đến kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác biển, năng lượng, giáo dục đào tạo… đặc biệt, hợp tác thương mại đã đạt bước tiến vượt bậc; kim ngạch hai chiều năm 2022 đạt 725,8 triệu USD, tăng 134% so với năm 2021.

Hai nhà Lãnh đạo nhất trí cao về các phương hướng tăng cường hợp tác Việt Nam-Brunei trên các lĩnh vực trong thời gian tới. Theo đó, hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy trao đổi, tiếp xúc ở cấp cao và các cấp; triển khai hiệu quả cơ chế hợp tác Ủy ban Hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao; thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác quan trọng, nhất là Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Brunei Darussalam giai đoạn 2023 - 2027 vừa được ký kết dịp này.

Hai bên nhất trí thúc đẩy tăng trưởng thương mại theo hướng đa dạng và cân bằng hơn; xem xét khả năng hợp tác liên doanh khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản cũng như tìm kiếm cơ hội trong các lĩnh vực hợp tác mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quốc vương Brunei bày tỏ hài lòng với việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện nhân chuyến thăm của Quốc vương tới Việt Nam năm 2019 - Ảnh: VGP
Quốc vương Brunei bày tỏ hài lòng với việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện nhân chuyến thăm của Quốc vương tới Việt Nam năm 2019. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Brunei Darussalam tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Brunei Darussalam, nhất là gạo và các sản phẩm nông, thủy sản đạt tiêu chuẩn Halal; hoan nghênh và sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Brunei Darussalam mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai bên tăng cường hợp tác kết nối hai nền kinh tế nhằm hỗ trợ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Hai nhà Lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng khác như quốc phòng, an ninh và hợp tác biển, trong đó có duy trì hiệu quả Đường dây nóng hỗ trợ hoạt động nghề cá và chia sẻ thông tin thực thi pháp luật trên biển; đồng thời, thúc đẩy hợp tác GD-ĐT, du lịch, tăng cường kết nối, nâng tần suất các tuyến bay thương mại trực tiếp.

Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2021 của Brunei Darussalam cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Lễ ký kết và trao đổi Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Toàn diện 2023-2027 và Công hàm trao đổi Thỏa thuận Miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ giữa Việt Nam và Brunei Darussalam - Ảnh: VGP
Lễ ký kết và trao đổi Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Toàn diện 2023 - 2027 và Công hàm trao đổi Thỏa thuận Miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ giữa Việt Nam và Brunei Darussalam. Ảnh: VGP

Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường tham vấn và phối hợp chặt chẽ giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; giữ gìn đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông; cùng phối hợp duy trì đoàn kết và lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, phấn đấu có tiến triển trong đàm phán bộ Quy tắc ứng xử (COC).

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trân trọng mời Quốc vương Brunei và Hoàng hậu sang thăm Việt Nam vào thời gian phù hợp. Quốc vương Brunei vui vẻ nhận lời và mong sớm sang thăm Việt Nam.

Kết thúc Hội đàm, hai nhà Lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết và trao đổi Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Toàn diện 2023 - 2027 và Công hàm trao đổi Thỏa thuận Miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ giữa Việt Nam và Brunei Darussalam.

Buổi chiều cùng ngày, tại Trung tâm Năng lượng Brunei, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự tọa đàm với các doanh nghiệp năng lượng và dầu khí của Brunei. Cùng dự có các vị Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành của hai nước.

Đây là cơ hội để hai bên trao đổi, đề xuất và khởi tạo những ý tưởng mới, cơ hội mới về đầu tư kinh doanh, nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước ngày càng sâu rộng và thực chất, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước ngày càng gắn kết và thành công hơn nữa, nhất là lĩnh vực năng lượng và dầu khí.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự tọa đàm với các doanh nghiệp năng lượng và dầu khí của Brunei - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự tọa đàm với các doanh nghiệp năng lượng và dầu khí của Brunei. Ảnh: VGP

Các ý kiến phía Brunei tại cuộc tọa đàm đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam và quan hệ thương mại - đầu tư giữa hai nước trong thời gian qua; bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam và quan hệ hai nước thời gian tới; tìm hiểu về những cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và giới thiệu các cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Brunei.

Các ý kiến đánh giá trải qua hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hơn 3 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, quan hệ song phương giữa hai bên đang bước sang giai đoạn phát triển tốt đẹp, hướng đến tầm cao mới dựa trên sự chia sẻ lợi ích chiến lược. Hai bên đã ghi nhận những bước phát triển tích cực, đa dạng và thực chất trên các lĩnh vực.

Brunei hiện đứng thứ 26/142 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với 156 dự án và vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1 tỷ USD, tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và có xu hướng tăng ngay cả trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Ở chiều ngược lại, mặc dù vẫn còn khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam đã có 2 dự án đầu tư sang Brunei với tổng vốn đăng ký hơn 3,6 triệu USD.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt hơn 726 triệu USD và đã sớm hoàn thành mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 500 triệu USD trước thời hạn đặt ra là năm 2025. Trong đó, hợp tác về năng lượng, dầu khí là hợp tác "chủ lực" của hai bên.

Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng kết quả hợp tác giữa hai nước là rất đáng khích lệ, nhưng vẫn chưa thực sự tương xứng với nhu cầu, tiềm năng, lợi thế của hai bên.

Đại diện Chính phủ Brunei cũng chia sẻ về tầm nhìn, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu và đa dạng hóa nền kinh tế với tầm nhìn Brunei 2035, đưa nước này trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển năng động và bền vững.

Thủ tướng cho biết Việt Nam đang triển khai 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển và nhu cầu kết nối với các nền kinh tế - Ảnh: VGP
Thủ tướng cho biết Việt Nam đang triển khai 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển và nhu cầu kết nối với các nền kinh tế. Ảnh: VGP

Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong bối cảnh có nhiều biến động nhanh chóng, khó lường hiện nay, các quốc gia muốn phát triển nhanh và bền vững, cần phát huy, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của nước mình, kết hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Các nước ASEAN cũng đang phát triển theo hướng xây dựng một cộng đồng thống nhất trong đa dạng, đồng thời nâng cao tính tự cường; những nội dung mà các nhà lãnh đạo ASEAN đã thống nhất là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quan hệ hai bên nước trên các lĩnh vực.

Thủ tướng cho biết Việt Nam đang triển khai 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển và nhu cầu kết nối với các nền kinh tế. Việt Nam hướng đến phát triển một nền kinh tế bền vững dựa trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, đặt con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất cho mọi chính sách phát triển.

Theo Thủ tướng, hai nước đang đi đúng hướng và đều có cùng khát vọng mang đến sự thịnh vượng chung cho khu vực và thế giới. Brunei và Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội cần được khai thác dựa trên thế mạnh mỗi nước hướng tới tăng cường tính bổ trợ giữa hai nền kinh tế, đem lại lợi ích thiết thực cho hai bên.

Thủ tướng tham quan triển lãm về khai thác năng lượng của Brunei - Ảnh: VGP
Thủ tướng tham quan triển lãm về khai thác năng lượng của Brunei. Ảnh: VGP

Thủ tướng đề nghị hai bên tập trung thúc đẩy các ngành kinh tế mới nổi, như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hợp tác trong 3 lĩnh vực cụ thể gồm năng lượng, hóa chất và thực phẩm Halal (thực phẩm dành cho người Hồi giáo).

Thủ tướng cũng đề nghị mở rộng hợp tác trong lĩnh vực hóa chất, nhất là sản xuất phân bón trong nông nghiệp.

Thủ tướng cho biết Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú cho thực phẩm Halal nhưng không có thế mạnh về sản xuất mặt hàng này, đồng thời có lợi thế về vận chuyển sang Brunei. Thủ tướng đề nghị hai bên đàm phán, ký kết các văn bản pháp lý cần thiết; xúc tiến, thúc đẩy doanh nghiệp triển khai các hoạt động tiếp cận thị trường, triển khai các dự án hợp tác cụ thể. "Điều quan trọng bây giờ là hành động của các Bộ trưởng và các doanh nghiệp để khai thác dư địa hợp tác còn rất lớn", Thủ tướng phát biểu.

Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất, với việc giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế, pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường-chính sách ổn định, có tính dự báo cao và thực thi minh bạch.

Với những nỗ lực, quyết tâm của hai bên và trên hết là tình hữu nghị bền chặt của nhân dân hai nước, Thủ tướng tin tưởng rằng, hợp tác đầu tư - thương mại sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam - Brunei, đồng thời là động lực để đưa mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới…

Lan Anh (tổng hợp theo TTXVN, Chinhphu.vn)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.