Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43:

Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN nhấn mạnh việc tăng cường lòng tin, sự tin cậy lẫn nhau

17:06, 07/09/2023

Ngày 7/9, Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 43 đã ra Tuyên bố của Chủ tịch, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau để duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Tuyên bố bày tỏ quan ngại về các hoạt động gây nguy hiểm cho sự an toàn của người dân, gây hại môi trường biển, làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, làm gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực.

Theo đó, ASEAN tái khẳng định sự cần thiết tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trong khu vực.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 ở Jakarta ngày 5/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 ở Jakarta ngày 5/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

ASEAN cũng tái khẳng định sự cần thiết theo đuổi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trong đó có việc hoàn tất lần đọc thứ hai Dự thảo văn bản đàm phán COC duy nhất (SDNT) và việc thông qua Hướng dẫn đẩy nhanh việc sớm ký kết COC, đồng thời mong muốn sớm đạt được một COC hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Bên cạnh đó, ASEAN cho rằng cần duy trì và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán COC, cũng như tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và sự tin cậy giữa các bên, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.