Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam có nhiều đóng góp tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV lần thứ 16

10:22, 19/09/2024

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 16 (CLMV EMM 16) đã diễn ra tại thủ đô Vientiane dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công thương Lào Malaithong Kommasith, cùng đại diện Bộ Công thương của 4 nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam.

Tại Hội nghị vào chiều 18/9, Bộ trưởng Bộ Công thương Lào cho biết, năm 2024 Lào vinh dự và tự hào khi được là Chủ tịch ASEAN với khẩu hiệu “ASEAN: Tăng cường kết nối và tự cường”, đây vừa là thời điểm, vừa là cơ hội và thách thức nhiều mặt, đặc biệt là điều kiện tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi các nước CLMV cần phải tăng cường đoàn kết và hợp tác chặt chẽ để giải quyết những thách thức này.

Hội nghị CLMV EMM 16 thể hiện cam kết trong việc tiếp tục hợp tác tổ chức thực hiện tầm nhìn của các nước CLMV, với mục tiêu đưa khu vực này trở thành khu vực có thu nhập bình bình cao và là trung tâm kinh tế của ASEAN đến năm 2045.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Sinh Nhật Tân. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Sinh Nhật Tân. Ảnh: Xuân Tú/TTXVN

Tình hình khu vực và quốc tế vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhưng các nước CLMV vẫn tiếp tục duy trì sự tăng trưởng kinh tế, thể hiện giá trị thương mại hàng hóa của các nước LCMV trong năm 2023 đạt 767,7 tỷ USD, chiếm 21,6% của tổng giá trị thương mại ASEAN; giá trị đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong các nước CLMV đã tăng 5,4%, từ 25,1 tỷ USD trong năm 2022 lên 26,4 tỷ USD trong năm 2023.

Tại Hội nghị, các đại biểu cùng nhau nghiên cứu và trao đổi nhiều vấn đề nổi bật, xem xét và thông qua báo cáo hội nghị quan chức Kinh tế cấp cao CLMV; đồng thời đã trao đổi những ý kiến và hướng dẫn thực hiện triển khai những kế hoạch công tác để phát triển đất nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Nguyễn Sinh Nhật Tân đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các nước CLMV trong thúc đẩy các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư trong vòng hơn một năm qua, kể từ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV lần thứ 15 diễn ra vào tháng 9/2023, trong bối cảnh nền kinh tế khu vực và thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Để duy trì đà tăng trưởng thương mại và đầu tư, thời gian tới Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân mong muốn các nước CLMV tiếp tục phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực thi hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà 4 nước là thành viên; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng viễn thông, số hóa; phát triển nguồn nhân lực, tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, củng cố hơn nữa vị trí của mỗi nước trong các chuỗi cung ứng khu vực.

Để thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các nước CLMV, Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam đề nghị các nước tăng cường hợp tác tháo gỡ những vướng mắc, rào cản thương mại nếu có, tạo thuận lợi cho thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử.

Việt Nam đề nghị các nước CLM tiếp tục tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư của Việt Nam triển khai các dự án đầu tư, kinh doanh tại các nước Campuchia, Lào và Myanmar.

Đối với Kế hoạch hành động CLMV 2023-2024, Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam đánh giá cao các nước CLMV đã chủ động, linh hoạt và có sự đồng thuận, nhất trí cao trong việc phối hợp, thực hiện các hoạt động, dự án.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam cũng kiến nghị Lào với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2024 tăng cường vai trò điều phối với Ban Thư ký ASEAN để thúc đẩy việc thông qua CLMV SEOM TOR trong năm nay; và rất mong nếu thuận lợi thì việc phê duyệt Điều khoản tham chiếu (TOR) hoàn thành trước khi Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 11 dự kiến diễn ra vào cuối năm 2024.

Theo TTXVN/Vietnam+


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.