Multimedia Đọc Báo in

Thể thao Nga gặp khó!

08:46, 20/03/2022

Kể từ khi tiếng súng giao tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra, thể thao của xứ sở Bạch Dương rơi vào tình cảnh bị cô lập ở nhiều sự kiện thể thao quy mô quốc tế.

Sự kiện gần đây được dư luận quan tâm nhiều nhất đó chính là Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) ra phán quyết gạch tên đội tuyển Nga khỏi World cup 2022, dù trước đó vẫn cho phép nước này được dự vòng play off trên sân trung lập kèm theo một số điều kiện khác. Ở cấp độ câu lạc bộ, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UFFA) cũng quyết định loại đội bóng Spartak Moskva khỏi Europa League dù họ đã giành quyền lọt vào vòng 1/8 gặp Câu lạc bộ RB Leipzig (Đức). Và để “cởi trói” cho cầu thủ nước ngoài đang thi đấu cho các câu lạc bộ Nga, FIFA cũng ban hành quyết định chưa có tiền lệ là mở cửa thị trường chuyển nhượng đặc biệt. Theo đó trong trường hợp các câu lạc bộ trực thuộc Liên đoàn Bóng đá Nga không đạt được thỏa thuận chung với các cầu thủ và huấn luyện viên nước ngoài, các cầu thủ và huấn luyện viên nước ngoài có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng lao động của họ với câu lạc bộ mà không phải đối mặt với bất kỳ hậu quả nào.

Biểu tượng lá cờ Olympic biểu thị sự đoàn kết, không tách rời của các châu lục. Ảnh: Internet

Cũng liên quan đến bóng đá, UEFA chính thức tước quyền đăng cai trận chung kết Champions League tại Sân vận động St Petersburg của Nga vào cuối tháng 5, đồng thời chuyển địa điểm này đến sân Stade de France ở Paris (Pháp). Cần phải nói thêm rằng, được chọn làm địa điểm diễn ra trận đấu cuối cùng, hấp dẫn nhất cấp câu lạc bộ châu Âu là niềm tự hào và vinh dự của bất cứ liên đoàn bóng đá nào trong khu vực. Đó là cơ hội quảng bá, khẳng định năng lực, uy tín tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế không thể tốt hơn cho quốc gia được tín nhiệm lựa chọn.

Không chỉ bóng đá, giải đua xe tốc độ công thức 1 hấp dẫn, thu hút hàng triệu khán giả theo dõi là Grand Prix có chặng đua tại Nga cũng bị Liên đoàn đua Ô tô quốc tế (FIA) cùng các đội đua loại khỏi lộ trình. Các tay đua hàng đầu của thế giới, trong đó có tay lái từng 4 lần vô địch giải đấu này là Sebastian Vettel khẳng định sẽ tẩy chay Grand Prix nếu giải đấu vẫn tiếp diễn ở Nga. Bên cạnh đó Liên đoàn Quần vợt quốc tế (ITF) cũng đưa ra lệnh cấm thi đấu với đội tuyển Nga tại Davis Cup, giải đấu mà đội tuyển Nga đang là nhà đương kim vô địch. Ngoài ra Liên đoàn Bóng chuyền thế giới (FIBV) không do dự tước quyền đăng cai Giải Vô địch bóng chuyền nam thế giới mà trước đó Nga được chọn làm chủ nhà đăng cai. Trong khi Liên đoàn Rugby quốc tế cấm đội tuyển rugby Nga thi đấu các giải của tổ chức này. Còn Liên đoàn Khúc côn cầu thế giới đình chỉ quyền tranh tài của đội tuyển cũng như các câu lạc bộ Nga bên cạnh việc hủy quyền đăng cai Giải Vô địch khúc côn cầu trẻ thế giới 2023 tại Nga.

Những lệnh “cấm vận” của các tổ chức thể thao quốc tế không những gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng, có phần không công bằng đối với các vận động viên cũng như những cá nhân Nga đang hoạt động trong lĩnh vực thể thao. Đơn cử như hơn 70 vận động viên Nga phải rời cuộc chơi, vắng mặt, không được phép tranh tài Paralympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 vừa diễn ra. Quyết định này gây phản ứng, tranh cãi dữ dội, khi nhiều ý kiến cho rằng điều đó vi phạm quyền của các vận động viên, bởi bản thân họ - những người đã nỗ lực, vươn lên chiến thắng bản thân không phải chịu trách nhiệm với những quyết định mà họ không có thể can thiệp; và họ xứng đáng hiện diện, góp mặt tranh tài với những vận động viên của các quốc gia khác. Trong khi đó, một trong những tỷ phú của Nga, doanh nhân Abramovich buộc phải trao quyền kiểm soát Câu lạc bộ Chelsea cho Quỹ từ thiện của đội bóng sau hơn 20 năm tiếp quản trước khi đối diện với nguy cơ bị cấm tham gia vào các hoạt động bóng đá.

Sự kiện một đất nước đang bị cô lập hoàn toàn ở các giải đấu quốc tế cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử, thể thao không còn giữ vai trò trung lập của mình. Lĩnh vực vốn biểu thị cho tinh thần đoàn kết, nơi gửi gắm thông điệp hòa bình, không phân chia khoảng cách địa lý, phân biệt dân tộc và không để yếu tố chính trị can thiệp, tác động vào, song giờ đây với những gì đang xảy ra cho Nga thì thể thao ít nhiều đã mất ý nghĩa ấy.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.