Multimedia Đọc Báo in

Cần nâng tầm sân chơi Đại hội thể thao Đông Nam Á

08:11, 09/04/2023

SEA Games – ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á lâu nay vẫn tồn tại một thực tế là nước chủ nhà thường ưu tiên lựa chọn những môn thế mạnh của mình nhằm tạo lợi thế trên bảng tổng sắp huy chương.

Trong trường hợp một số quốc gia luân phiên đến lượt mình đăng cai viện lý do không đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, từ chối tổ chức, thì Hội đồng thể thao Đông Nam Á phải vận động các quốc gia khác trong khu vực đảm nhận đăng cai, tất nhiên là kèm theo những điều khoản có lợi cho nước chủ nhà như có quyền loại những môn không phải là thế mạnh của mình, ưu tiên đưa vào những môn sở trường để tạo lợi thế trong cuộc tranh chấp huy chương.

Tại SEA Games 32 được tổ chức tại Campuchia vào tháng 5 sắp đến, nước chủ nhà vừa chính thức công bố 37 môn thi đấu, trong đó có những môn chưa từng được tổ chức trong lịch sử các kỳ SEA Games là võ Bokator, Kun Khmer (võ Campuchia) và cờ Ok Chaktrong (cờ ốc). Quyết định của nước chủ nhà gây nên cuộc tranh luận nảy lửa trong khu vực, song như đã nói ở trên, với tư cách nước đăng cai, Campuchia có quyền lựa chọn các môn thể thao truyền thống nhằm quảng bá, giới thiệu cho chủ nhà. Trong số 3 môn này, chỉ riêng môn võ Bokator có đến 16 nội dung đối kháng đồng đội, 7 nội dung biểu diễn cá nhân, đồng đội và 9 nội dung đối kháng cá nhân. Tất nhiên bộ môn thế mạnh này sẽ mang về cho chủ nhà nhiều huy chương để đua tranh vào tốp đầu. Campuchia chắc chắn đạt được mục tiêu của mình, song dưới góc nhìn của các nhà chuyên môn thì thành tích nước chủ nhà đạt được tại bộ môn thể thao thuộc nhóm 3 này cũng chỉ gói gọn trong khuôn khổ khu vực, bởi không thuộc các bộ môn tranh chấp ở sân chơi cao hơn là Đại hội thể thao châu Á chứ chưa nói đến sân chơi Thế vận hội.

Vận động viên Nguyễn Thị Hải Châu của Đắk Lắk đoạt Huy chương Bạc môn bắn cung SEA Games 31 - môn thể thao vắng mặt tại SEA Games 32.

Cũng khó trách chủ nhà Campuchia về sự lựa chọn này, bởi ngoài việc được sự đồng thuận của ít nhất là 4 nước trong khu vực thì tâm lý chung của một số nước chủ nhà vẫn còn mang nặng căn bệnh thành tích, xác định đây cũng chỉ là sân chơi, khu vực, lựa chọn các môn phù hợp với khả năng, trình độ của mình. Vấn đề ở đây là nếu các nước chủ nhà SEA Games vẫn cứ mãi tư duy rằng đó chỉ là cuộc chơi nội bộ khu vực Đông Nam Á thì làm thế nào để nâng cao chất lượng chuyên môn, nâng tầm SEA Games, xem đây là cuộc "sát hạch", kiểm định, đánh giá đúng khả năng thực sự của các vận động viên nếu không đưa những môn nằm trong nội dung thi đấu của Á vận hội, Thế vận hội, như: bắn cung, bắn súng, đua thuyền canoneing, đua thuyền rowing, futsal vào thi đấu.

Còn nhớ tại SEA Games 31, chủ nhà Việt Nam đã tạo nên cuộc đột phá, đưa 37/40 môn thuộc các nội dung thi đấu trong chương trình Đại hội thể thao châu Á và Thế vận hội vào thi đấu, tạo nên một sân chơi sòng phẳng, khách quan giữa vận động viên các nước. Kết quả đoàn thể thao Việt Nam giành được đến 116 Huy chương Vàng các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic Paris 2024, chiếm 56% tổng số Huy chương Vàng đã đoạt được tại SEA Games 31. Những thành tích mà đoàn thể thao Việt Nam đoạt được tại SEA Games 31 được các nước tham dự đánh giá rất cao, "tâm phục khẩu phục".

Không thể phủ nhận đạt thành tích cao tại SEA Games là mục tiêu tất cả các nước chủ nhà đặt ra, song tấm huy chương ấy có chứng tỏ, phản chiếu giá trị thật sự qua thành tích của những bộ môn thể thao không phổ biến ở sân chơi quy mô quốc tế vẫn còn là một câu hỏi về mặt chất lượng, trình độ chuyên môn. Chính vì vậy để thay đổi cái nhìn, sự đánh giá của các nhà chuyên môn và truyền thông quốc tế rằng SEA Games vẫn là sân chơi “ao làng” thì cần lắm sự chung tay, đồng lòng của tất cả các quốc gia trong khu vực, mạnh dạn “vươn ra biển lớn”, nâng cao chất lượng chuyên môn, đưa các môn thể thao trong khuôn khổ Á vận hội, Thế vận hội vào thi đấu, lấy SEA Games làm nền tảng, "bệ phóng" để hướng đến sân chơi ở tầm đẳng cấp quốc tế.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.