Multimedia Đọc Báo in

Sôi động Giải futsal sinh viên khu vực Tây Nguyên năm 2023

08:12, 18/06/2023

Lần đầu tiên, một giải futsal dành cho sinh viên khu vực Tây Nguyên được tổ chức quy mô, bài bản, chuyên nghiệp, tạo sân chơi hấp dẫn cho các đội bóng tranh tài...

Giải futsal sinh viên khu vực Tây Nguyên năm 2023 có 9 trường cao đẳng, đại học đến từ 3 tỉnh Tây Nguyên tham gia tranh tài trong thời gian 12 ngày (từ ngày 30/5 đến 11/6).

Trưởng Ban tổ chức giải, ông Phạm Thanh Sang cho biết, khác với với những năm trước, các giải bóng đá futsal sinh viên được tổ chức song hành cùng địa điểm, thời gian với giải futsal vô địch quốc gia thì năm nay giải đấu được tổ chức độc lập nhằm thu hút sự quan tâm hơn của khán giả.

Sự chuyên nghiệp, uy tín của giải đấu được khẳng định qua thương hiệu của đơn vị tổ chức vốn gắn bó, có kinh nghiệm tổ chức môn futsal nhiều năm nay là Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), tất cả các trận đấu tranh tài được điều hành bởi các trọng tài cấp quốc gia do VFF phân công.

Với mục tiêu quảng bá môn futsal đến đông đảo người hâm mộ, giới trẻ, hướng tới một sân chơi toàn quốc cho sinh viên trong tương lai, công tác truyền thông được Ban tổ chức đặc biệt quan tâm, 100% trận đấu được truyền trực tiếp trên các hệ thống nội dung số VOV Live phục vụ khán giả không có điều kiện đến Nhà thi đấu tỉnh Đắk Lắk theo dõi, cổ vũ các cầu thủ.

Một pha bóng trong trận chung kết.

Trong số các đội bóng dự giải, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum và Trường Đại học Đà Lạt được nhận định là những ứng cử viên cạnh tranh chức vô địch. Với Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum, gần như toàn bộ đội hình của họ là các sinh viên dân tộc Bana, Giarai có thể lực sung mãn, lực lượng hùng hậu với 3 tổ đấu. Họ cho thấy mình xứng đáng là ứng cử viên ngôi vô địch khi bất bại 4 trận ở vòng bảng, trong đó chiến thắng "hủy diệt" 12-0 trước Trường Đại học Luật Hà Nội Phân hiệu tại Đắk Lắk và khép lại vòng bảng với kỷ lục 30 bàn thắng.

Trong khi đó đội bóng Trường Đại học Đà Lạt có sự chuẩn bị rất chu đáo, bài bản với kết quả toàn thắng cả 3 trận ở vòng bảng, trong đó có trận thắng Trường Đại học Tây Nguyên 3-1 để đoạt ngôi đầu bảng B. Với tư cách là chủ nhà, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Tây Nguyên dưới sự dẫn dắt của Huấn luyện viên Nguyễn Quốc Bảo trong lần đầu tiên dự giải cũng đặt mục tiêu vào đến trận đấu cuối cùng. Nhưng ở bán kết, đối thủ của họ là Trường Đại học Đà Lạt có lối chơi quá kinh nghiệm, cộng với phong độ xuất sắc của cầu thủ Nguyễn Văn Huy Ngọ đã cùng đồng đội "nhấn chìm" Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Tây Nguyên với tỷ số 6-1.

Trường Đại học Tây Nguyên chính là đội bóng tạo nên cú sốc lớn nhất giải khi buộc đội bóng đang hừng hực khí thế là Trường Đại học Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum phải dừng chân ở bán kết với tỷ số 1-0. Trận đấu mà Trường Đại học Tây Nguyên có duy nhất một cơ hội từ pha sút phạt và họ cụ thể hóa được bàn thắng nhờ công của cầu thủ mang áo số 9 Hà Phút. Chiến thắng này giúp Trường Đại học Tây Nguyên vào chung kết, tái ngộ với đội bóng mình từng thua ở vòng bảng 1-3 là Trường Đại học Đà Lạt.

Ban tổ chức trao Cúp cho đội vô địch Trường Đại học Đà Lạt.

Trong trận chung kết, một lần nữa đội bóng Trường Đại học Đà Lạt khẳng định mình xứng đáng với chức vô địch khi giành chiến thắng chung cuộc 4-2. Cái tên mà một lần nữa mọi người phải nhắc đến là Nguyễn Văn Huy Ngọ - chân sút hai lần đưa bóng vào lưới thủ thành Y Chức H’mok của Trường Đại học Tây Nguyên ở trận đấu cuối cùng. Phong độ quá xuất sắc của cầu thủ này tại giải cũng giúp anh đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải.

Giải đấu cực kỳ sôi động khép lại với 20 trận cầu và hơn 100 bàn thắng được ghi với những pha bóng đẹp mắt đã góp phần tạo nên một không khí cực kỳ sôi động tại Nhà thi đấu Đắk Lắk, để lại những ấn tượng khó quên trong lòng những khán giả đam mê quả bóng tròn.

      Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.