Multimedia Đọc Báo in

Khơi nguồn cảm hứng từ bóng đá nữ

10:44, 02/08/2023

Hôm nay (2/8), đội tuyển bóng đá nữ sẽ về nước, mang theo nhiều kỷ niệm ngọt ngào lẫn nguồn cảm hứng mới cho bóng đá Việt Nam. Các đội tuyển quốc gia có lẽ cũng rút ra được nhiều bài học từ bóng đá nữ.

1. Bài học lớn nhất là tinh thần “màu cờ, sắc áo”. Thầy trò Huấn luyện viên (HLV) Mai Đức Chung luôn gây “thương nhớ” cho mọi người ở sự đoàn kết, hiền lành, chịu thương chịu khó. Tuy nhiên, các cô gái của chúng ta luôn ra sân với tinh thần chiến binh, khả năng chịu áp lực rất tốt. Đội bóng đá nữ là một tập thể, một gia đình, tất cả vì danh dự của bóng đá Việt Nam, vì hình ảnh đất nước. Thầy trò HLV Mai Đức Chung đã trở thành sứ giả tuyệt vời đưa hình ảnh Việt Nam đến với quốc tế.

Bài học thứ hai là phải kiên trì đeo đuổi một triết lý chơi bóng. Theo dõi bóng đá nữ trong nhiều năm qua, nhiều thế hệ nhưng lối chơi vẫn mang đậm bản sắc. Khác với các đội tuyển bóng đá nam, mỗi đời HLV một kiểu. Điều đó cho thấy việc kế thừa, xây dựng một lối chơi “made in Việt Nam” với bóng đá nam là việc cần lưu tâm. Từ thành công của HLV Mai Đức Chung, bóng đá Việt Nam vẫn cần HLV ngoại, tuy nhiên không vì thế mà xem nhẹ vai trò thầy nội. Rất nhiều HLV nội đã có bằng cấp quốc tế, khả năng chuyên môn cao cùng sự hiểu biết sâu sắc cầu thủ Việt là lợi thế lớn.

Việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) mới đây quyết định sử dụng HLV Philippe Troussier cho những mục tiêu lớn, bổ nhiệm ông Hoàng Anh Tuấn làm HLV trưởng đội tuyển Olympic Việt Nam dự ASIAD 2023, có thể coi là bước đột phá quan trọng.

Trong quá khứ, thường khi VFF ký hợp đồng với HLV ngoại nào, đều muốn tận dụng tối đa thời gian, chất xám của họ. Hay nói cách khác, giao cho HLV đó hai nhiệm vụ dẫn dắt cả đội tuyển quốc gia lẫn U23 quốc gia. Rất nhiều thầy ngoại, trong đó có cả ông Park Hang-seo, đã từng than thở quá tải khi đảm trách cả hai nhiệm vụ “bế em và xay lúa”. Với những giải đấu trẻ tầm khu vực Đông Nam Á, thậm chí châu Á, rất nhiều HLV nội vẫn có thể thành công.

Thời gian qua, đội tuyển bóng đá nữ đã nhận được sự động viên thường xuyên của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng như xã hội. Ảnh: VFF

2. Trên trang cá nhân mới đây, HLV Hoàng Anh Tuấn bày tỏ trạng thái: “Tôi tôn trọng HLV Troussier và ông ấy cũng tôn trọng tôi. Chúng tôi cần nhau”.

Trả lời báo chí, HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: “Tôi và HLV Troussier đã từng làm việc với nhau ở Trung tâm PVF. Chúng tôi cũng có những liên hệ mật thiết thông qua các giải đấu cấp độ đội tuyển trẻ, có chung chiến lược, triết lý, mục tiêu là hướng tới tìm kiếm những cầu thủ tốt nhất cho U23 và đội tuyển Việt Nam. Tôi dẫn dắt đội U23 dự U23 Đông Nam Á tại Thái Lan vào tháng 8 và ASIAD 19 ở Trung Quốc vào tháng 9. Còn ông Troussier cầm đội U23 Việt Nam chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2024", HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Đúng vậy, VFF cùng người hâm mộ bóng đá Việt Nam luôn khao khát có một HLV ngoại giúp bóng đá Việt Nam giành tấm vé dự World Cup, nhất là trong bối cảnh FIFA gia tăng số đội lên con số 48. Mục tiêu đã rõ, bóng đá Việt Nam phấn đấu tham dự World Cup 2030. Muốn thế, HLV Troussier chỉ tập trung tinh hoa cho đội tuyển quốc gia. Đấy là một chiến lược dài hơi sử dụng rất nhiều cầu thủ. Nhiệm vụ của HLV nội mà cụ thể là HLV Hoàng Anh Tuấn, với sự am hiểu bóng đá Việt Nam tận chân tơ, kẽ tóc, sẽ tham gia nhào nặn nhiều thế hệ cầu thủ trẻ từ U17 đến U23. Hai vị trí này đều quan trọng như nhau, cần có sự tương hỗ, cộng tác mật thiết.

Có thể cảm nhận, kể từ khi được “phân vai”, cả HLV Troussier cùng Hoàng Anh Tuấn đều yên tâm, hào hứng với phần việc của mình. Điều đó cho thấy VFF đã có tư duy mới mẻ trong việc sử dụng HLV nội và ngoại.

Trong cuộc sống cũng như bóng đá, rất cần những nguồn cảm hứng lớn tác động tích cực đến tư duy và tinh thần, giúp đạt năng suất công việc cao hơn. Thầy trò HLV Mai Đức Chung như một tấm gương sáng, soi chiếu nhiều vấn đề còn tồn tại của thể thao Việt Nam nói chung.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc