Chuyện về tấm huy chương đầu tiên
Hôm qua (24/9), đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) ra quân rầm rộ với nhiều hy vọng. Tuy nhiên, chúng ta chỉ đạt được hai tấm Huy chương Đồng. Trong đó, chiến tích của 4 cô gái thuộc môn đua thuyền rowing thực sự nhiều cảm xúc.
Nhiều lần tham dự đưa tin ASIAD, chúng tôi hiểu cảm giác chờ đợi tấm huy chương bị dồn nén và cảm xúc cao trào đến mức nào khi vận động viên chúng ta đã chạm tay được vào thành quả. Đơn giản bởi từ SEA Games đến ASIAD là một khoảng cách rất xa. Hay nói cách khác, quá khó để giành huy chương khi ASIAD là nơi hội tụ toàn nhân tài của thể thao châu Á.
Trở lại chiến tích của bốn cô gái ở nội dung chung kết thuyền bốn nữ. Các vận động viên Việt Nam chủ yếu thi đấu ở nội dung hạng nhẹ nhưng tại ASIAD năm nay, nước chủ nhà Trung Quốc lại đưa vào chương trình thi đấu nội dung hạng nặng. Vận động viên đã quen thi đấu hạng nhẹ nên rất hạn chế về sải tay, sức bền. Bốn tay chèo của chúng ta gồm Đinh Thị Hảo, Dư Thị Bông, Phạm Thị Huệ, Hà Thị Vui đã nhập cuộc với quyết tâm cùng phong độ tuyệt vời. Họ bám đuổi quyết liệt đội đua Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, ở khoảng 500 m cuối, các vận động viên Việt Nam đuối sức, không còn duy trì được thế bám đuổi với đội chủ nhà. Chung cuộc, đội đua chủ nhà Trung Quốc giành Huy chương Vàng, Nhật Bản giành Huy chương Bạc còn đội thuyền bốn nữ hạng nặng của Việt Nam về đích thứ ba, nhận Huy chương Đồng. Thành tích của đội tuyển Việt Nam là 6 phút 52 giây 35.
Đội tuyển rowing thuyền bốn nữ nhận thưởng nóng từ lãnh đạo ngành thể thao. |
Tấm Huy chương Đồng vô cùng quý giá, cũng nhiều tâm trạng nên cả bốn cô gái đều bật khóc vì hạnh phúc. Đội tuyển thuyền bốn nữ năm nay có hai gương mặt lần đầu tiên tham dự ASIAD là Dư Thị Bông và Hà Thị Vui. Riêng với Phan Thị Huệ, đây là kỳ ASIAD thứ tư chị tham gia. Ở tuổi 27, chị hiểu sẽ khó có khả năng dự Đại hội thể thao châu Á lần nữa. Chị chia sẻ: "Dù chúng tôi rất quyết tâm nhưng Trung Quốc và Nhật Bản là hai đối thủ quá mạnh. Chúng tôi mong muốn chiếc huy chương này sẽ là động lực để thi đấu tốt hơn trong thời gian tới”. Huệ khẳng định nếu còn sức khỏe và đồng đội cùng làm việc tốt thì sẽ còn tiếp tục cống hiến cho đua thuyền và thể thao Việt Nam.
Tại Á vận hội Jakarta 2018, chính nhóm vận động viên nội dung thuyền nữ bốn người cũng đã mang về tấm Huy chương Vàng đầu tiên cho đoàn TTVN. Câu chuyện về sự phát triển của rowing Việt Nam cũng rất thú vị. Đó là SEA Games 22 (năm 2003), nơi Việt Nam đăng cai tổ chức, đội tuyển rowing Việt Nam mới được đầu tư. Phải 7 năm sau, ASIAD năm 2010 tại Quảng Châu, Việt Nam mới tạo dấu ấn khi bất ngờ giành 2 Huy chương Bạc. Bốn năm tiếp theo, tại Incheon (Hàn Quốc), các tay chèo rowing Việt Nam cho thấy thành tích họ đạt được không hề may mắn. Đội tuyển có 1 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng. Qua ba kỳ ASIAD gần nhất, rowing đã mang về 7 huy chương các loại (1 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng) cho TTVN.
Thành tích của rowing Việt Nam tại đấu trường ASIAD càng đáng quý hơn khi đây là môn thể thao rất khó phát triển. Mỗi kỳ ASIAD thường có 45 - 50 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á tham dự, nhưng chưa đầy một nửa trong số đó mang theo đội tuyển rowing.
Phong trào tập luyện, thi đấu môn rowing tại Việt Nam đang phát triển tích cực. Trong các môn đua thuyền, ngành TTVN cũng dần hình thành hướng phát triển với rowing làm mũi nhọn. Điều đó phần nào được thể hiện qua các kỳ đại hội thể thao quốc tế. Rowing thường xuyên giành vé tham dự Olympic, đồng thời các tay chèo Việt Nam luôn có thành tích cao khi tham dự đấu trường SEA Games, ASIAD, đặc biệt là các vận động viên rowing nữ.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc