Nỗi buồn điền kinh
Điền kinh là môn thể thao danh giá và cũng là thế mạnh của thể thao Việt Nam (TTVN). Vậy nhưng, chúng ta đã “biến mất” trên bản đồ điền kinh ASIAD 19, dù ở kỳ đại hội trước đoạt tới 2 Huy chương Vàng (HCV), 3 Huy chương Đồng (HCĐ), đứng thứ 7 toàn đoàn, xếp trên cả Hàn Quốc.
Trước khi ASIAD 19 diễn ra, dù chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn 2 - 5 HCV nhưng giới chuyên môn vẫn kỳ vọng TTVN sẽ tạo được dấu ấn tốt hơn. Đơn giản bởi tại SEA Games 32 diễn ra hồi tháng 5, các vận động viên Việt Nam giành được 61 HCV ở các môn thể thao Olympic có trong chương trình thi đấu tại SEA Games 32, chiếm tỷ lệ 44,8% trên tổng số 136 HCV. Trong đó, các môn vật (13 HCV), điền kinh (12), bơi lội (7), judo đối kháng (7)… là những môn Olympic mang về nhiều HCV nhất cho TTVN. Riêng điền kinh, ai cũng nghĩ với việc giành được 12 HCV, 20 Huy chương Bạc (HCB) và 8 HCĐ SEA Games thì ít ra chúng ta phải có 1 tấm HCV tại ASIAD 19.
Đội tuyển điền kinh đến với ASIAD 19 gồm 12 tuyển thủ. Niềm tin vào Nguyễn Thị Oanh (1.500 m, 3.000 m vượt chướng ngại vật), Nguyễn Thị Hường (nhảy ba bước) và đặc biệt đội hình tiếp sức 4x400m nữ mới đăng quang ở Giải vô địch châu Á. Thế nhưng, mục tiêu giành HCV đã bất thành khi bộ tứ Ngọc - Hạnh - Huyền - Hằng để “vuột” tấm HCĐ trên đường chạy tiếp sức. Đây cũng là nội dung duy nhất mà Việt Nam ở gần nhất với một tấm huy chương, tiếp cận trình độ hàng đầu châu lục. Trong khi đó, vận động viên giành HCĐ giải châu Á Nguyễn Thị Hường hay ngôi sao số 1 SEA Games Nguyễn Thị Oanh đều cho thấy một khoảng cách còn xa để có thể cạnh tranh. Đây cũng là tình cảnh của cựu binh Nguyễn Thị Huyền (400 m rào) hay nhà vô địch nhảy xa ở kỳ đại hội trước Bùi Thị Thu Thảo đã không còn duy trì được phong độ đỉnh cao của mình.
Bùi Thị Thu Thảo không bảo vệ được tấm Huy chương Vàng nhảy xa đã đạt được ở kỳ ASIAD trước. |
Điền kinh Việt Nam đã lần đầu phải chấp nhận cảnh về không sau 3 kỳ Á vận hội liên tiếp thành công. Tại ASIAD 2010, đội tuyển Việt Nam đã đoạt tới 5 huy chương (3 HCB, 2 HCĐ) nhờ sự tỏa sáng của bộ ba hảo thủ Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương và Vũ Văn Huyện. ASIAD 2014, Việt Nam tiếp tục giành 2 HCB, do công của Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ) và Quách Thị Lan (400 m).
Đến ASIAD 2018, cũng là kỳ Á vận hội ngay sau khi lật ngôi đầu toàn đoàn của Thái Lan ở SEA Games, Việt Nam đã thành công rực rỡ, khi đoạt 2 HCV, 3 HCĐ. Điền kinh Việt Nam xếp hạng 7 toàn đoàn, xếp trên cả Hàn Quốc cùng nhiều đoàn mạnh khác.
Việc điền kinh thất bại cay đắng tại ASIAD 19 đã cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng những tài năng ở đẳng cấp châu lục. Có nhiều việc chúng ta phải làm cả trước mắt cũng như lâu dài nếu muốn tái lập những thành tích xuất sắc ở đấu trường ASIAD. Trong đó, giải pháp cốt yếu là phải tạo đột phá trong việc tuyển chọn, đào tạo, đầu tư vận động viên ở một số nội dung mà Việt Nam có thế mạnh, tiềm năng ở tầm châu lục (như 400m nữ, nhảy xa nữ, nhảy ba bước nữ), cũng như tìm kiếm thêm những nội dung phù hợp với khả năng, có thể đón đầu.
Nếu để ý, đã thấy những chuyển dịch bất lợi cho điền kinh Việt Nam ngay ở kỳ SEA Games vừa qua. Trong khu vực Đông Nam Á, sau thời gian dài để Thái Lan thống trị, điền kinh Việt Nam lật đổ đối thủ ở SEA Games 29 (năm 2017) rồi thống trị liên tiếp hai kỳ SEA Games 30 (năm 2019), SEA Games 31 (2022). Tuy nhiên ở SEA Games 32, đội tuyển điền kinh VN chỉ đoạt tổng cộng 12 HCV, trong khi Thái Lan đoạt 16 HCV, lấy lại ngôi vị số 1 khu vực ở môn thể thao nữ hoàng.
Tuy nhiên, ngay cả Thái Lan cũng không thể giành một tấm HCV điền kinh nào tại ASIAD 19, thay vào đó là hai HCB. Ngay sau thất bại, ông Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Thái Lan Sant Sarutanond đã lập tức nhận trách nhiệm và từ chức. Ông Sant Sarutanond nói lời xin lỗi, mong muốn Liên đoàn Điền kinh Thái Lan tìm một vị chủ tịch mới sau 11 năm ông nắm quyền.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc