Trở lại sân chơi quốc nội
Sau hơn 2 tuần nhường sân cho đội tuyển quốc gia dự vòng loại World Cup 2026, Giải chuyên nghiệp V.League, hạng Nhất và Cúp Quốc gia đã trở lại. Giới chuyên môn cùng người hâm mộ chờ đợi chất lượng giải quốc nội sẽ thực sự có biến chuyển tích cực.
Có thể cảm nhận dù có quãng nghỉ nhưng các đội bóng không được phép “nghỉ”. Dù chặng khởi động không phải đội nào cũng hoàn hảo nhưng tất cả đều tận dụng quãng thời gian đội tuyển tập trung để rà soát, căn chỉnh lại các vấn đề của mình. Mỗi đội bóng đều hiểu rằng mùa giải kéo dài và khốc liệt, đảm bảo nền tảng thể lực, rèn giũa chuyên môn là hoạt động cần được duy trì xuyên suốt.
Cúp Quốc gia sẽ giúp mỗi câu lạc bộ “hâm nóng” để bắt nhịp khi V.League, giải hạng Nhất trở lại. Giải đấu này lâu nay vẫn được xem như một lựa chọn tốt bởi ngay cả đội ít tham vọng vẫn có thể đạt vị trí cao, làm đẹp bảng báo cáo thành tích cuối năm. Ví dụ như Thanh Hóa, khi bị “hụt hơi” ở V.League 2023, đã dồn sức để lần đầu tiên đoạt Cúp Quốc gia. Cũng chính từ đây, họ được góp mặt ở trận tranh Siêu cúp và thắng luôn Công an Hà Nội để vô địch.
Sau trận đá với Iraq, các tuyển thủ sẽ trở về câu lạc bộ để chinh phục giải quốc nội. |
Vài mùa trở lại đây, Cúp Quốc gia bỗng trở nên “có giá”. Thậm chí, nhiều đội dồn sức mong có thành tích, trong khi chỉ cần trụ hạng ở V.League là đạt yêu cầu. Chỉ cần đá bốn trận là có cơ hội vào chơi chung kết, đồng nghĩa có thành tích. Do đó, những trận đối đầu giữa các câu lạc bộ V.League và đội bóng hạng Nhất vẫn tiềm ẩn nhiều bất ngờ. Các cặp đấu giữa đại diện hạng Nhất với nhau càng gay cấn bởi họ còn chứng minh đủ lực để đua thăng hạng chuyên nghiệp hay không. Dù thế, có lẽ phải đến vòng 1/8 Cúp Quốc gia mới đáng xem hơn, khi chứng kiến những trận đấu lớn, ví như Viettel gặp đội thắng ở cặp đấu Công an Hà Nội/ Hoàng Anh Gia Lai; hay Nam Định sẽ chạm trán Quy Nhơn Bình Định nếu vượt qua Bình Phước.
Đời sống bóng đá nước nhà trong những ngày đội tuyển quốc gia làm nhiệm vụ quốc tế cũng sôi động với một vài biến chuyển ở các câu lạc bộ. Từ chuyện ghép tên hay tìm lại cái tên ngày xưa đến việc “thay tướng” giữa dòng khi V.League chỉ mới qua 3 vòng đấu.
Nếu như thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai được ghép vào tên của đối tác mới thì danh xưng Thể Công lẫy lừng một thời đã hồi sinh trở lại. Bộ Quốc phòng đã đồng ý để Câu lạc bộ Viettel đổi tên thành Thể Công Viettel ngay trong mùa giải 2023 - 2024. Đây là tin không thể vui hơn đối với những người từng yêu mến Thể Công, cái tên lừng danh một thời của bóng đá Việt Nam. Ngày 21/11, quyết định đổi tên Câu lạc bộ Viettel thành Thể Công Viettel đã được công bố chính thức. Những ai yêu mến Thể Công đều kỳ vọng đội bóng này sẽ viết tiếp trang sử lẫy lừng như đã có.
Với việc chia tay Huấn luyện viên Vũ Tiến Thành, Câu lạc bộ TP. Hồ Chí Minh trở thành đội bóng thứ ba ở V.League 2023 - 2024 thay huấn luyện viên trưởng. Trước đó Hà Nội FC sa thải Bozidar Bandovic khi mùa giải khởi tranh. Huấn luyện viên Lê Đức Tuấn với vai trò tạm quyền cũng không trụ được lâu khi được thay thế bởi ông Đinh Thế Nam sau những kết quả không tốt ở cả đấu trường AFC Champions League và V.League. Mới đây Công an Hà Nội cũng quyết định thay vị trí “ghế nóng” của ông Trần Tiến Đại bằng cựu Huấn luyện viên U23 Việt Nam, ông Gong Oh Kyun.
Từ chuyện “thay tướng giữa dòng” của mỗi đội bóng, sẽ thấy ẩn chứa nhiều chuyện không hẳn chỉ chuyên môn. Không phủ nhận đời sống huấn luyện viên ở ta khá thong thả nếu được cầm quân một đội bóng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, họ cũng phải đối diện nguy cơ mất việc rất nhanh. V.League mùa này mới chỉ 3 vòng, đã có huấn luyện viên thứ ba mất việc và con số này chưa chắc dừng lại. Thế mới biết, nghiệp cầm quân bóng đá ở ta đúng là… “nghề nguy hiểm”.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc