Cần nghiêm khắc với bóng đá xấu xí
Bóng đá Việt Nam đã để lại những hình ảnh xấu xí cả ở trong và bên ngoài sân cỏ những ngày qua. Hàng loạt án phạt được đưa ra nhưng đã đủ để ngăn chặn thứ bóng đá xấu xí đang có nguy cơ gia tăng?
1. Đấy là việc các cổ động viên Bình Định đã ném các “vật thể lạ” xuống sân, rồi chặn xe và đến cả khách sạn Câu lạc bộ (CLB) Thanh Hóa ở để phản đối khi cho rằng đoàn quân Huấn luyện viên (HLV) Velizar Popov chơi xấu và khiêu khích đội chủ nhà. Tấm áo mang vết máu của cầu thủ đội nhà được HLV Bùi Đoàn Quang Huy mang ra trước phóng viên như để chứng minh cho những tức giận và nỗi uất ức của người hâm mộ Bình Định. Hy hữu hơn, trọng tài đã phải rút thẻ vàng đối với bác sĩ đội Thanh Hóa để cảnh cáo vì hành vi câu giờ.
Sự việc nhanh chóng lan truyền đến một số nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc. Mới đây, tờ báo New.QQ xứ tỷ dân đã có bài viết liên quan được Soha dẫn lời: "Một tháng trước, một số nhân vật nổi tiếng đã chế giễu chất lượng của cổ động viên Trung Quốc và cho rằng họ kém văn minh hơn so với người hâm mộ ở nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta vừa được chứng kiến một cuộc xung đột quy mô lớn giữa cổ động viên và cầu thủ xảy ra ở giải V.League của Việt Nam. Cảnh tượng nhóm cổ động viên Bình Định bao vây các cầu thủ đội khách Thanh Hóa khiến chúng ta liên tưởng tới cảnh tượng ở trận chung kết CBA (giải vô địch bóng rổ Trung Quốc) từ cách đây khá lâu”.
Tại Thiên Trường, căng thẳng cũng xảy đến ở màn đối đầu giữa Nam Định và Công An Hà Nội. Khi tỷ số đang là 1-0 nghiêng về đội khách, cầu thủ Trần Văn Kiên có hành vi không đẹp khi vung tay vào vùng ngực HLV Gong Oh-kyun trong tình huống diễn ra ở ngoài đường biên dọc. Chiến lược gia người Hàn Quốc không giữ được bình tĩnh, thậm chí muốn ăn thua đủ với cầu thủ sinh năm 1996. Đó được xem là hình ảnh chưa từng thấy từ cựu thuyền trưởng U23 Việt Nam.
Xô xát sau trận đấu giữa Merryland Quy Nhơn Bình Định và Đông Á Thanh Hóa tạo nên hình ảnh “bóng đá xấu xí”. Ảnh: baothanhhoa.vn |
2. Ban Kỷ luật VFF đã phải làm việc hết công suất để đưa ra các án phạt: Đối với đội MerryLand Quy Nhơn Bình Định cảnh cáo tập thể ban huấn luyện đội bóng, phạt 30 triệu đồng đối với ban tổ chức trận đấu; phạt 15 triệu đồng, đình chỉ làm nhiệm vụ kế tiếp 4 trận đối với ông Bùi Võ Viết Tuấn, Phó Trưởng đoàn CLB MerryLand Quy Nhơn Bình Định. Đối với CLB Đông Á Thanh Hóa: phạt 10 triệu đồng, đình chỉ làm nhiệm vụ hai trận kế tiếp ông Dương Tiến Kỷ, bác sĩ CLB.
Ở trận đấu giữa Thép Xanh Nam Định và Công An Hà Nội, ban kỷ luật VFF phạt ông Lê Xuân Hải, Phó Trưởng đoàn CLB Công An Hà Nội 5 triệu đồng do vi phạm quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Dư luận hết sức bất ngờ khi HLV Gong Oh-Kyun lại thoát án phạt. Phải chăng Ban kỷ luật cũng hành xử theo kiểu “nhìn người mà phạt”?
Bất luận thế nào thì những hành vi bạo lực trên sân cỏ cần phải được loại bỏ khỏi đời sống bóng đá. Trong giai đoạn vừa qua, đã có không ít những hình ảnh đáng buồn đến từ nạn bạo lực của bóng đá châu Á. Có thể kể đến vụ bạo loạn khiến hơn 125 người chết tại Giải Vô địch quốc gia Indonesia vào năm 2022 hay màn ẩu đả gần đây tại AFC Champions League giữa Buriram United (Thái Lan) và Zhejiang FC (Trung Quốc). Đó chính là những câu chuyện đáng báo động mà bóng đá Việt Nam cần nhìn vào để rút ra những bài học.
Ban tổ chức cần có những biện pháp răn đe để kiềm chế những cái đầu “nóng”. Lãnh đạo các CLB cũng cần giáo dục cầu thủ của mình giữ thái độ và tác phong chuyên nghiệp trên sân cỏ. Trên cả, ban kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải thể hiện sự công bằng, nghiêm minh khi đưa ra các án phạt với các hành vi bạo lực sân cỏ.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc