Khi bóng đá “chơi có ý thức, chơi để tận hưởng”
Không thu hút sự chú ý của dư luận bằng những hình ảnh xấu xí bên ngoài lẫn bên trong sân cỏ như tại V.League, ở tháng cuối cùng của năm Quý Mão, sự kiện bóng đá thu hút sự quan tâm nhất của dư luận đó chính là Vòng chung kết Cúp bóng đá 7 người quốc gia năm 2023.
Ngày hội bóng đá hấp dẫn nhất sân chơi 7 người năm nay quy tụ 8 câu lạc bộ mạnh nhất nước, khu vực Bắc – Trung – Nam và Tây Nguyên. Các đội bóng hội ngộ ở thành phố mang tên Bác để tranh tài. Đây cũng là lần đầu tiên, đơn vị tổ chức Vietfootball mạnh dạn đem Vòng chung kết đến với TP. Hồ Chí Minh với mong muốn kết nối, đưa bóng đá đến mọi miền của Tổ quốc. Với tính chất chuyên nghiệp của mình, tất cả các trận tranh tài đều được Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) sản xuất, phát sóng trên các kênh nền tảng truyền dẫn của VTVcab với mục đích quảng bá rộng rãi đến với khán giả cả nước cũng như từng bước nâng tầm, phát triển rộng rãi loại hình bóng đá sân 7 người.
Sân vận động Gia Định chật kín khán giả đến theo dõi các trận đấu. |
Khán giả cả nước nói chung, Đắk Lắk nói riêng dõi theo màn tranh tài của các đội bóng ắt hẳn sẽ phải bất ngờ với bầu không khí cực kỳ sôi động, khán giả đến theo dõi chật kín các khán đài của Sân vận động Gia Định, khiến chính Ban tổ chức cũng phải ngạc nhiên vì lòng đam mê, tình yêu bóng đá quá cuồng nhiệt này. Phó Chủ tịch Vietfootball Dương Thanh Liêm, phụ trách truyền thông sung sướng thốt lên chỉ trong vỏn vẹn một câu ngắn ngủi, song đủ diễn đạt tất cả niềm hạnh phúc, tri ân đối với cổ động viên thành phố mang tên Bác: “Tuyệt vời! cảm ơn khán giả Sài Gòn!”. Quả thật, khán giả theo dõi những trận thư hùng, trong đó có hai đại diện của Đắk Lắk là Xổ số kiến thiết Đắk Lắk và OCB Đắk Lắk được chứng kiến một lễ hội bóng đá quá ấn tượng, choáng ngợp của một giải đấu được ví như “festival bóng đá”, một hình ảnh mà các đội bóng đang chơi tại Giải bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia và hạng Nhất quốc gia nhìn vào cũng phải ao ước.
Để có được một hấp lực lớn với khán giả như vậy, Vietfootball đã trải qua hành trình dài 10 năm xây dựng, phát triển môn bóng đá 7 người, tạo nên một sân chơi đậm bản sắc, rất riêng với slogan “chơi có ý thức, chơi để tận hưởng”. Bắt đầu từ những sân chơi quy mô địa phương, tổ chức ở Hà Nội, dần mở rộng ra đến quy mô khu vực, rộng khắp các miền Bắc – Trung – Nam – Tây Nguyên, thu hút những đội bóng sân 7 người hàng đầu tham gia tranh tài.
Trung thành với slogan mà ban tổ chức đưa ra, tất cả các đội bóng tham gia tranh tài trong hệ thống hai giải đấu chuyên nghiệp của Vietfootball tổ chức là Cúp bóng đá 7 người quốc gia và Giải bóng đá 7 người vô địch quốc gia luôn chơi hết mình, trên tinh thần vô tư, trong sáng, không nặng nề cay cú thắng - thua, những toan tính bên ngoài sân cỏ.
Đó chính là yếu tố tiên quyết, đầu tiên để mỗi khi địa phương nào vinh dự đăng cai giải đấu, khán giả luôn tìm đến để được hòa mình, cảm nhận không khí rất thật từ trong sân đấu đến khán đài, từ người chơi đến khán giả; để được thưởng thức những pha bóng điệu nghệ, ngẫu hứng của các nghệ sĩ sân cỏ trong những trận cầu cực kỳ chất lượng, chuyên môn cao mà ở đó hiếm hoi lắm mới có một thẻ vàng, chứ chưa nói đến thẻ đỏ.
Với những nỗ lực không ngừng, từng bước như thế đến nay, bóng đá 7 người đã được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam công nhận, có điều lệ thi đấu hẳn hoi và đã vươn tầm quốc tế với việc lần đầu tiên tổ chức giải bóng đá 7 người quốc tế năm 2022 mà tuyển Việt Nam đoạt chức vô địch.
Hình ảnh tuyệt đẹp, khi các cầu thủ cúi chào, dành sự tôn trọng cho Ban huấn luyện của đối thủ. |
Từ các giải đấu của Vietfootball, nhìn sang giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia thưa thớt khán giả bỗng dưng thấy chạnh lòng. Hình ảnh xấu xí, một số cổ động viên Bình Định, thậm chí Ban huấn luyện cả hai đội Bình Định – Thanh Hóa tranh cãi nảy lửa, suýt xảy ra xô xát; hay Huấn luyện viên Gong Oh kyun đòi “ăn thua đủ” với cầu thủ Văn Kiên của Nam Định trong trận Công An Hà Nội hòa Nam Định tại V.League mới “vỡ” ra nguyên nhân vì sao khán giả thờ ơ, lạnh nhạt với giải đấu được xem là đỉnh cao của bóng đá quốc nội như thế.
Chưa bàn đến chất lượng của giải đấu, chỉ cần nhìn vào thái độ, cách hành xử thiếu chuyên nghiệp của cầu thủ và huấn luyện viên làm ảnh hưởng đến nền bóng đá nước nhà, vượt ra khỏi phạm vi đất nước, truyền thông nhiều nước nhắc đến cũng đủ là lý do khiến khán giả nản lòng, quay lưng lại với sân cỏ.
Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà có ý kiến cho rằng, bóng đá chuyên nghiệp cần phải “tự soi” lại mình, để thay đổi, hành xử cho phù hợp với tên gọi là chuyên nghiệp nếu không muốn bị khán giả tiếp tục “bỏ rơi”.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc