Multimedia Đọc Báo in

Trăn trở chuyện bảo hiểm cho vận động viên

07:31, 24/12/2023

Liên đoàn Thể dục Việt Nam đang kêu gọi cộng đồng xã hội chung tay giúp đỡ vận động viên (VĐV) thể dục dụng cụ Nguyễn Minh Triết có kinh phí chữa trị chấn thương. VĐV trẻ này đã bị chấn thương nặng đe dọa tính mạng trong khi luyện tập. Có thể thấy nhiều khoảng trống qua vụ chấn thương nghiêm trọng này…

Nhiều rủi ro

Nguyễn Minh Triết không may mắn bị chấn thương nặng khi thực hiện một động tác tiếp đất của bài tập chuyên môn. Dù đã được cấp cứu và chữa trị tại bệnh viện nhưng bác sĩ cho biết Triết bị liệt tủy, viêm phổi xẹp, khả năng hồi phục là rất thấp. Nguyễn Minh Triết từng là nhà vô địch các lứa tuổi U12, U13, U14, U15 nội dung thể dục tự do tại giải vô địch trẻ quốc gia các năm trước đây. Tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, Nguyễn Minh Triết cũng góp công giành tấm Huy chương Đồng nội dung đồng đội nam cho đoàn quân đội.

Trước đây, cựu tuyển thủ vật Lê Thị Huệ cũng gặp chấn thương nặng trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 2003 trên sân nhà. Chấn thương khiến Huệ không chỉ phải chia tay thể thao mà sức khỏe bị ảnh hưởng đáng kể do bị liệt, phải di chuyển bằng xe lăn. Nhiều nhà hảo tâm cùng các nguồn xã hội hóa đã hỗ trợ cựu tuyển thủ này để cô cùng gia đình trang trải bớt khó khăn của cuộc sống.

Ngoài Huệ, thể thao Việt Nam từng chứng kiến những trường hợp VĐV xấu số đã qua đời do chấn thương đáng tiếc như: Đỗ Xuân Tâm (xe đạp) và Trần Thanh Ngời (judo).

Theo chia sẻ của Huấn luyện viên (HLV) Hầu Trung Linh, Nguyễn Minh Triết có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Hiện tại cả gia đình đang sinh sống trong một ngôi nhà thuê có diện tích 18 m2 ở phố Định Công (Hà Nội). Bố của Triết năm nay hơn 60 tuổi (đã nghỉ hưu) cũng mắc nhiều bệnh và thường phải điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Mẹ Triết dù bệnh tật song vẫn phải chạy Grab kiếm thêm thu nhập. Anh trai của Triết từng bị điện giật lúc 2 tuổi khiến sức khỏe bị ảnh hưởng, giờ không có khả năng lao động. Ngoài ra, Triết có một em gái còn nhỏ.

Với hoàn cảnh như vậy nên Nguyễn Minh Triết được coi như là trụ cột của gia đình. Toàn bộ các khoản thu nhập của Triết từ việc tập luyện ở đội tuyển trẻ hằng tháng đều được gửi về cho bố mẹ để trang trải cuộc sống.

Vì vậy, Liên đoàn Thể dục Việt Nam kêu gọi cộng đồng xã hội chung tay giúp đỡ gia đình Nguyễn Minh Triết về nguồn lực nhằm giúp trang trải thêm chi phí chữa trị bởi với chấn thương này, thời gian phải nằm viện của người bệnh sẽ lâu dài.

Nguyễn Minh Triết (bìa phải) là vận động viên trẻ có nhiều triển vọng.

Cần những gói bảo hiểm đặc biệt

Theo quy định, VĐV mỗi khi được tập trung tập huấn là được mua bảo hiểm. Nghị định 152/2018/NĐ-CP ban hành ngày 7/11/2018 quy định một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu có những quy định cụ thể đối với công tác bảo hiểm cho VĐV.

Tuy vậy, các gói bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế có mức chi trả là không cao theo quy định về giá trị bảo hiểm. Gần như các đội tuyển thể thao quốc gia không mua các gói bảo hiểm khác cho HLV, VĐV ngoài bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế bởi lẽ không có kinh phí. Một số công ty bảo hiểm tại Việt Nam ra mắt một số gói bảo hiểm dành cho thể thao, VĐV nhưng rất ít đội tuyển thể thao quốc gia mua các gói này.

Một số liên đoàn, hiệp hội thể thao từng bỏ chi phí bảo hiểm cho VĐV trong các gói ký với công ty bảo hiểm ở một số giải đấu cụ thể. Tuy nhiên, gói bảo hiểm này thường ngắn hạn, kết thúc giải đấu là kết thúc chương trình bảo hiểm. Vì thế, khi những trường hợp không may mắn xảy ra, ngành thể thao Việt Nam vẫn phải kêu gọi sự chung tay ủng hộ giúp đỡ từ việc đóng góp của cá nhân, tổ chức.

Tai nạn thương tâm của Minh Triết tiếp tục gióng hồi chuông về cơ chế bảo hiểm cũng như chính sách đãi ngộ đối với VĐV đỉnh cao của ngành thể thao.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc