Multimedia Đọc Báo in

"Thọ giáo" thầy Park Chae-soon

09:54, 17/12/2023

80 huấn luyện viên (HLV) bộ môn bắn cung trong cả nước vừa tham gia lớp tập huấn trang bị những kiến thức phục vụ công tác chuyên môn do chuyên gia người Hàn Quốc Park Chae-soon đảm nhận giảng dạy diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột.

Cái tên Park Chae-soon có sức hút khiến các HLV phụ trách bộ môn này tại các trung tâm huấn luyện thể thao gác lại mọi công việc để đăng ký tham gia khóa tập huấn.

Năm nay 58 tuổi, chuyên gia Park Chae-soon đã có kinh nghiệm 40 năm gắn bó với cung tên cùng bảng thành tích mà bất cứ HLV nào cũng mơ ước. Ông từng đảm nhiệm cương vị HLV trưởng đội tuyển bắn cung Hàn Quốc tham dự các kỳ Olympic London 2012, Rio 2016 và Tokyo 2020; có công lớn giúp đội tuyển Hàn Quốc đoạt tổng cộng 11 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Đồng để khẳng định ngôi vị số một thế giới ở bộ môn bắn cung.

Đặc biệt, tại Olympic Tokyo 2020, dưới sự dẫn dắt của HLV Park Chae-soon, nữ cung thủ An San phá vỡ kỷ lục cũ tồn tại suốt 25 năm qua với thành tích đoạt tổng cộng 680 điểm (kỷ lục cũ là 673 điểm) sau 72 lượt bắn, trong đó có đến 36 lần đạt điểm 10 - điểm số mà theo các chuyên gia sẽ còn rất lâu nữa mới có cung thủ khác phá vỡ được.

Chuyên gia Park Chae-soon truyền đạt các kỹ thuật, kinh nghiệm cho học viên.

Đầu năm 2023, chuyên gia Park Chae-soon được Cục Thể dục thể thao Việt Nam mời sang huấn luyện các tuyển thủ với kỳ vọng cải thiện thành tích của bắn cung Việt Nam ở đấu trường khu vực, quốc tế. Bản thân chuyên gia Park Chae-soon cũng chia sẻ rằng ông muốn thử sức ở một môi trường khác và Việt Nam là điểm đến ông chọn lựa vì nhận thấy tiềm năng của bộ môn này tại nơi đây.

 

“Tôi hy vọng thông qua lớp tập huấn, các bạn đúc rút được những bài học, kinh nghiệm hữu ích, phục vụ cho công tác đào tạo cung thủ, nâng cao thành tích của địa phương" - chuyên gia Park Chae-soon.

Theo ông Park Chae-soon, các cung thủ Việt Nam có thể hình phù hợp với bộ môn bắn cung, có nền tảng kỹ thuật khá tốt, ổn định và nhất là luyện tập rất chăm chỉ. Tuy nhiên, để đạt thành tích tốt nhất thì cần có phương pháp tập luyện khoa học, đúng kỹ thuật, mà điều đó thì phụ thuộc rất lớn vào các HLV. Do đó, chỉ trong thời gian 5 ngày tập huấn, ông cố gắng truyền đạt tất cả những kiến thức đã tích lũy hơn 40 năm cho các HLV. Với một phong cách gần gũi, giản dị, phương pháp sư phạm dễ hiểu, ông lần lượt giới thiệu chi tiết, cụ thể những kỹ thuật trong thi đấu mà ông áp dụng huấn luyện cho cung thủ Hàn Quốc; khẳng định đây là một trong những yếu tố tiên quyết, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi đấu của một vận động viên.

Các HLV bắn cung của Đắk Lắk gồm Nguyễn Hữu Quỳnh, Phạm Thị Phương Anh, Thái Hồng Quân dù có kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, giúp đội tuyển bắn cung Đắk Lắk trở thành "mỏ vàng" gặt hái huy chương cho thể thao thành tích cao tỉnh nhà với cung thủ Nguyễn Thị Hải Châu nằm trong đội tuyển quốc gia đã chia sẻ: Đây là lớp tập huấn rất hữu ích mà lần đầu mình có cơ hội tham dự. Đặc biệt học viên tâm đắc nhất với chuyên đề "Nâng cao kỹ thuật thi đấu thành tích cao cung 1 dây, cung 3 dây", một trong những bí quyết mà mọi đối thủ đều giữ bí mật nay được thầy Park Chae-soon tận tình chia sẻ, truyền đạt từ chính kinh nghiệm thực tế đã tích lũy qua bao năm.

Các học viên tham dự lớp tập huấn chụp ảnh lưu niệm của chuyên gia Park Chae-soon (áo xanh đậm, hàng trên cùng).

"Tôi hy vọng thông qua lớp tập huấn, các bạn đúc rút được những bài học, kinh nghiệm hữu ích, phục vụ cho công tác đào tạo cung thủ, nâng cao thành tích của địa phương. Làm tốt được điều đó là chính các bạn đang giúp chúng tôi phát hiện, tìm kiếm những cung thủ tài năng cho đội tuyển tham gia tranh tài để đạt được thành tích cao ở đấu trường khu vực, quốc tế, trước mắt là tại Olympic Paris 2024 sắp tới", thầy Park Chae-soon nhắn nhủ.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.