Thử thách cực đại của tuyển Việt Nam ở trận ra quân Asian Cup
18 giờ 30 ngày 14/1, trên Sân vận động Al Thumama (Qatar), tuyển Việt Nam có trận ra quân gặp tuyển Nhật Bản ở bảng D, Asian Cup.
Đây sẽ là một thử thách cực đại cho thầy trò Huấn luyện viên (HLV) Troussier trước đội bóng từng 3 lần đăng quang ngôi vương của ngày hội bóng đá lớn nhất châu Á.
Hầu hết các ý kiến chuyên gia đều nhìn nhận Nhật Bản là “ngọn núi”, là “chướng ngại vật” quá lớn mà tuyển Việt Nam khó, nếu không muốn khẳng định là không thể nào vượt qua để tạo nên bất ngờ, có một kết quả thuận lợi ở trận ra quân. Tất cả mọi thống kê đều nghiêng về đội tuyển đang xếp thứ 17 thế giới: trong đội hình Nhật Bản đến Qatar có 20 cầu thủ đang chơi bóng tại châu Âu, có tổng giá trị hơn 316 triệu euro, trong khi Việt Nam chỉ có hơn 6,3 triệu euro. Thầy trò HLV Hajime Moriyasu hiện duy trì mạch 10 trận thắng liên tiếp, ghi tổng cộng 45 bàn, với hiệu suất ghi bàn cực khủng, lên đến 4,5 bàn/trận. Ở chiến tuyến ngược lại, trong 6 trận gần nhất, chiến lược gia người Pháp Troussier cùng các học trò toàn thua, trong đó trận thua đậm nhất là trước Hàn Quốc 0-6.
Đội bóng xứ sở hoa anh đào cũng chưa từng thất bại trước tuyển Việt Nam, trong 3 trận gần đây nhất, họ thắng 2 trận và hòa một trận. Cần lưu ý trận hòa 1-1 của tuyển Việt Nam trong khuôn khổ vòng loại thứ ba World Cup 2022, khi ấy HLV Park Hang-seo đang sở hữu một thế hệ cầu thủ vàng của Việt Nam và đối thủ cũng đã không còn động cơ thi đấu. Bước vào giải đấu này, giới chuyên môn đánh giá Nhật Bản là ứng cử viên số 1 cho chức vô địch và không phải ngẫu nhiên mà siêu máy tính của Opta đưa ra dự đoán, Nhật Bản có tỷ lệ lên ngôi vương lớn nhất trong số 24 đội tham dự với 24,6%.
Dẫn những con số như thế để minh chứng cho nhận định tuyển Việt Nam khó có thể “làm nên chuyện” trước Nhật Bản ở trận khai màn, nhất là khi đối thủ đang đặt quyết tâm có sự khởi đầu hoàn hảo nhất, tránh những rủi ro có khả năng xảy ra sau này là cơ sở hết sức thực tế. Vả lại trong bối cảnh mà tuyển Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển giao, trẻ hóa lực lượng mạnh mẽ, song cần có thêm thời gian đạt được hiệu quả như mong muốn thì muốn tạo một cuộc lật đổ trước đối thủ vào thời điểm này là nằm ngoài khả năng, chẳng khác nào "nhiệm vụ bất khả thi".
HLV Troussier sẽ có những lựa chọn toan tính chiến thuật khi đối đầu Nhật Bản, trước khi gặp tuyển Indonesia ở trận quyết chiến. Ảnh: VFF |
Khi cuộc đối đầu với Nhật Bản chưa diễn ra, một số ý kiến lạc quan đã ngược lại quá khứ, tại Asian Cup 2000, chính HLV Troussier lúc bấy giờ đảm nhiệm chiếc ghế nóng của “những chiến binh samurai xanh” làm nên một kỳ tích, đưa Nhật Bản vô địch ngày hội bóng đá lớn nhất châu Á năm đó. Lúc bấy giờ, tuyển Nhật Bản cũng tương tự tuyển Việt Nam hiện tại, có sự thay đổi, chuyển giao mạnh mẽ về nhân sự và chính cuộc “cách mạng”, đưa những cầu thủ chưa bao giờ được triệu tập lên tuyển cùng với những triết lý bóng đá mới mẻ, HLV Troussier đã giúp Nhật Bản thành công. Tuy nhiên, xét về thực lực đội tuyển Việt Nam lúc này, chỉ có thể lấy câu chuyện quá khứ để khích lệ, động viên tinh thần các cầu thủ chúng ta mà thôi bởi trên băng ghế huấn luyện, ông Troussier là người hiểu hơn ai hết trình độ, đẳng cấp của tuyển Việt Nam như thế nào so với Nhật Bản. Vì lẽ đó, rất nhiều dự đoán nghiêng về nhận định, ông Troussier sẽ không mạo hiểm, mà chọn lựa cách tiếp cận trận đấu với Nhật Bản theo hướng cẩn trọng, nghiêng về phòng thủ, hạn chế đến mức tối đa bàn thua để dốc toàn lực cho trận quyết chiến với đội tuyển Indonesia ngay sau đó, trận đấu mà tuyển Việt Nam phải giành trọn 3 điểm mới có thể có cơ hội vào vòng trong.
Trước cuộc đối đầu với Nhật Bản, tuyển Việt Nam đã có cuộc tổng duyệt trong trận đấu kín với đối thủ "đồng cân đồng lạng" Kyrgyzstan hạng 101 thế giới và nhận thất bại 1-2. Với tính chất phục vụ các thử nghiệm, ở trận này, ông Troussier đã tung ra sân tất cả 29 cầu thủ với số phút thi đấu trung bình 25 - 30 phút/cầu thủ. Cầu thủ duy nhất không ra sân là Đỗ Duy Mạnh do chưa hoàn toàn bình phục chấn thương. Hiển nhiên trong bài “tổng duyệt”, kiểm tra cuối cùng đó, HLV Troussier không đặt nặng kết quả, thay vào đó cuộc thử nghiệm với "quân xanh" trên giúp ông có cái nhìn tổng thể, rà soát toàn bộ các vị trí, đội hình phù hợp nhất trước khi lựa chọn những nhân sự, chiến thuật phù hợp cho từng trận đấu, mà trước mắt là chính là "ngọn núi" Nhật Bản.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc