Multimedia Đọc Báo in

Từ chuyện "đôi giày nhỏ" năm xưa…

05:38, 14/01/2024

Trận đấu Việt Nam - Nhật Bản tại bảng D, Asian Cup là màn so tài giữa một tập thể có 21/26 cầu thủ đang chơi bóng tại nước ngoài và một tập thể với 100% đá ở quốc nội. Một sự chênh lệch quá lớn.

Có một câu chuyện diễn ra cách đây 64 năm, khi người Nhật sang Việt Nam giao lưu bóng đá đã tặng cho cầu thủ Việt Nam thuở ấy mỗi người một đôi giày thi đấu nhỏ tượng trưng. Đó là vật kỷ niệm đánh dấu mối quan hệ giữa làng bóng hai nước. Khi đó, bóng đá Nhật Bản không bằng Việt Nam. Cựu danh thủ Hồ Thanh Cang năm nay đã 80 tuổi là người được tặng "đôi giày nhỏ" hồi đó. Ông trải lòng: “Người ta tặng mình làm kỷ niệm và nói rằng lần này tặng mình đôi giày nhỏ nhưng lần sau khi trở lại, họ sẽ tặng cho chúng ta những đôi giày lớn hơn. Ý của người Nhật là sau này bóng đá của họ sẽ phát triển hơn, mạnh hơn như đôi giày to”.

Và quả thật, chúng ta đã thấy sự phát triển thần tốc của bóng đá Nhật Bản. Một lần nữa, tấm gương Nhật Bản sẽ là bài học lớn cho bóng đá Việt Nam vốn đang chật vật tìm đường ra "biển lớn" để mong sở hữu "đôi giày to". Những chuyến xuất ngoại thành công của bóng đá Nhật chẳng phải là điều tình cờ. Bên cạnh năng lực cầu thủ, người Nhật có những nguyên tắc nhất quán và luôn kiên định trong quá trình thực hiện nó.

Bóng đá Việt Nam vẫn đang vất vả trên hành trình hội nhập thế giới. Ảnh: VFF

Thứ nhất, cầu thủ Nhật xuất ngoại lần đầu thường không nhắm tới 5 giải vô địch quốc gia đỉnh nhất châu Âu. Takumi Minamino trước khi tới Liverpool đã trải qua gần 6 mùa tại Red Bull (Áo). Bàn đạp ấy là đủ vững vàng để ngôi sao đội tuyển Nhật trụ lại được tới 3 năm ở Liverpool lừng lẫy. Giống Minamino, Ritsu Doan cũng chơi ở Hà Lan một thời gian dài trước khi chuyển tới Bundesliga; Takehiro Tomiyasu đá tại Bỉ, sau đó chuyển tới Serie A rồi Premier League; còn Junya Ito tới Pháp nhờ kinh nghiệm thu thập ở Genk (Bỉ). Người Nhật hiểu rằng khác biệt lớn về văn hóa (và cả năng lực) sẽ không cho họ cơ hội cạnh tranh ngay lập tức ở giải đấu hàng đầu. Họ chấp nhận một bước đệm, chấp nhận các giải vô địch quốc gia nhóm dưới, lấy đó làm bàn đạp trước khi tiến đến những sân chơi hàng đầu thế giới. Khi đó, họ đã quen thuộc với đời sống, văn hóa, ngôn ngữ châu Âu. Chuyến đi tiếp theo sẽ chỉ còn là câu chuyện bóng đá. Người thử làm trái nguyên tắc ấy sẽ lập tức nhận hậu quả. Gia nhập Real năm 18 tuổi, thần đồng Takefusa Kubo trải qua 3 mùa bóng vật lộn, bị ném tới 4 câu lạc bộ khác nhau theo dạng cho mượn trước khi tỏa sáng rực rỡ tại RealSociedad. 3 năm khổ sở ấy bằng đúng quãng thời gian đệm mà nhiều đồng đội của Kubo trải qua ở Bỉ hay Hà Lan. Đương nhiên, vẫn có những ngoại lệ hiếm hoi mà Kaoru Mitoma là tiêu biểu. Siêu sao của Brighton & Hove Albion trở thành hiện tượng dù chuyển thẳng tới Anh từ J-League 1. Nhưng một mình anh là quá ít để tạo nên phương trình thành công kiểu ấy cho bóng đá Nhật.

Thứ hai, cũng bởi không nhắm tới top 5, người Nhật dành sự quan tâm đặc biệt cho các giải đấu hạng B của châu Âu, cụ thể là 3 giải Bỉ (hạng 13 thế giới), Hà Lan (hạng 6) và Áo (hạng 14). Đây đều là những giải vô địch quốc gia có thứ hạng không quá cao so với Nhật Bản (hạng 20). Người Nhật đã tính toán và chọn được giải đấu vừa sức cho cầu thủ của mình, vừa nâng cao trình độ, vừa giữ được sự tự tin. Thành công ở bước xuất ngoại đầu tiên giúp những Minamino hiểu rằng họ có thể làm được, rằng châu Âu chẳng phải điều gì đó vượt quá tầm với. Càng nhiều thương vụ thành công, niềm tin ấy càng được củng cố. Để rồi tới lúc này, thành công của một cầu thủ Nhật ở châu Âu chẳng còn là điều khiến ai ngạc nhiên.

Chiến lược bài bản của người Nhật là sự khác biệt lớn với bóng đá Việt Nam. Suốt nhiều năm qua, bóng đá Việt Nam đã có không ít tài năng xuất ngoại. Nhưng tất cả đều đi theo một con đường riêng, không ai giống ai, không có người hoạch định chung, không có một định hướng cụ thể. Nhìn khác biệt ấy, có lẽ bóng đá Việt Nam còn lâu mới đuổi kịp Nhật Bản!

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.