Nghĩ từ Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2023
Lễ trao giải Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2023 vừa khép lại trong không khí đầu năm mới và bóng đá Việt Nam vừa có một năm không thành công.
Huấn luyện viên (HLV) Philippe Troussier kế nhiệm ông Park Hang-seo sau hơn 5 năm ông thầy người Hàn Quốc đã xây dựng được một “tượng đài” ở môi trường bóng đá Việt, vẫn chưa thể làm yên lòng người hâm mộ. Với triết lý “kiểm soát bóng”, rất nhiều ngôi sao đang có dấu hiệu bị chững lại, trong khi lứa “măng” mới vẫn ít gương mặt thích nghi được và tỏa sáng.
Trở lại danh hiệu Quả bóng Vàng 2023, người được xướng danh ở hạng mục nam là Nguyễn Hoàng Đức. Đây là lần thứ hai tiền vệ 26 tuổi này đăng quang. Đức đã tiến một bước dài để trở thành tiền vệ tài hoa bậc nhất của bóng đá Việt Nam. Trong màu áo Câu lạc bộ (CLB) Thể Công Viettel, Đức đã trở thành linh hồn khi trình độ chơi bóng đã ở mức toàn diện. Anh là mẫu cầu thủ luôn tận hiến khi ra sân, sắc sảo trong kiến tạo và ghi bàn, cần mẫn trong phòng ngự. Mùa bóng 2023, Hoàng Đức đá chính đủ 20 trận cho CLB Thể Công Viettel, thi đấu 1.735 phút (chơi trọn vẹn 17 trận, 3 lần bị thay ra nghỉ), ghi 5 bàn thắng. Đức được bầu chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất V.League 2023.
Hoàng Đức (giữa) đoạt danh hiệu Quả bóng Vàng 2023. |
Điều dư luận quan tâm hơn là, sau ánh hào quang, ở tuổi 26, liệu Hoàng Đức có tiếp tục phát triển để trở thành một cầu thủ “lớn”, một thần tượng để các cầu thủ trẻ học tập, noi theo. Nói thế bởi với tố chất con người cũng như môi trường bóng đá Việt Nam, 26 tuổi đã “toan về già”. Việc chưa thích ứng được hoàn toàn về mặt chuyên môn khi HLV Philippe Troussier đẩy lên đá vai trò trung phong ở đội tuyển Việt Nam cũng là thách thức để Hoàng Đức phải nỗ lực và hoàn thiện hơn nữa.
Mặt khác, hoạt động bóng đá nội tính chuyên nghiệp chưa cao cũng đã triệt tiêu tuổi thọ nghề nghiệp của nhiều tài năng sân cỏ. Đồng thời, không phải ngôi sao nào cũng liên tục tu dưỡng để đạt cả hai phẩm chất “hồng” lẫn “chuyên”. Đấy cũng là tiêu chí, thông điệp mà ban tổ chức đã đặt ra. Các ứng cử viên được đặt vào trong đời sống bóng đá Việt Nam, ở đó họ phát triển thế nào, đóng góp ra sao? Sức lan tỏa của họ tới đời sống bóng đá đến đâu? Tức là không chỉ đánh giá về chuyên môn, hay màn trình diễn và kết quả của cầu thủ gặt hái được, mà còn phải xét xem đời sống ngoài bóng đá của mỗi ứng viên.
Không chỉ ở ta mà thế giới, Quả bóng Vàng được xem là giải thưởng ghi nhận cả những bước chân trên sân cỏ lẫn đạo đức và tư cách của cầu thủ. Đó chính là lý do những người chiến thắng luôn cảm thấy tự hào và hãnh diện khi nâng cao danh hiệu cá nhân cao quý đoạt được. Hẳn nhiều người đã chứng kiến chặng đường dài của Messi khi đăng quang Quả bóng Vàng lần thứ 8 ở tuổi 36. Đấy không chỉ đơn thuần là danh hiệu cá nhân cho anh, mà là sự lên ngôi của tinh thần cống hiến, tận hiến với nghề và với xã hội.
Năm nay, rất hoan nghênh ban tổ chức có sáng kiến ra mắt danh hiệu Cống hiến, một hạng mục nằm trong giải thưởng chung. Dù là một hạng mục mới, song có ý nghĩa rất lớn, là phần thưởng tôn vinh những gương mặt đã và đang âm thầm cống hiến, nỗ lực bền bỉ cho sự phát triển bóng đá nước nhà. Người đoạt giải sẽ cảm thấy tự hào về những đóng góp của bản thân luôn được cộng đồng nhớ đến, ghi nhận. Đó chính là động lực để tiếp tục chắp cánh cho họ có nhiều cống hiến hơn nữa với nền bóng đá; hoặc nếu chưa được tôn vinh thì sẽ phải cố gắng thế nào để bản thân được lọt vào danh sách đề cử, đoạt giải Cống hiến.
Các danh hiệu khác Cầu thủ trẻ nữ xuất sắc nhất: Ngọc Minh Chuyên (CLB Thái Nguyên T&T). Cầu thủ trẻ nam xuất sắc nhất: Nguyễn Thái Sơn (CLB Thanh Hóa). Cầu thủ nước ngoài xuất sắc nhất: Rafaelson Bezerra Fernandes (CLB Bình Định, nay chơi cho CLB Nam Định). Giải thưởng cống hiến: Cựu tiền vệ Phạm Thành Lương, cựu cầu thủ futsal Trần Văn Vũ. Quả bóng vàng fusal: Phạm Đức Hòa. Quả bóng bạc fusal: Châu Đoàn Phát. Quả bóng đồng fusal: thủ môn Hồ Văn Ý. |
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc