Báo động bạo lực sân cỏ
Trong đợt tập trung lần này, HLV Philippe Troussier đã không có được tiền đạo Tuấn Hải vì chấn thương. Đây là một tổn hại lớn cho đội tuyển của ông Troussier trước hai trận đấu có ý nghĩa quyết định với Indonesia sắp đến.
Tuấn Hải chấn thương sau một pha vào bóng thô bạo có tính triệt hạ từ phía cầu thủ của Quảng Nam trong trận đấu ở vòng 13. Một ngày sau, suýt nữa Thành Long cũng dính chấn thương sau cú đạp sau của Nhâm Mạnh Dũng ở trận Thể Công Viettel – Công An Hà Nội (CAHN).
Theo thống kê của Ban tổ chức V.League, sau 12 vòng đầu tiên, mới có 14 thẻ đỏ được các trọng tài rút ra, trung bình 0,17 thẻ/trận, nhưng tại vòng đấu cuối cùng của lượt đi vừa kết thúc, đã có đến 3 thẻ đỏ và đều có xu hướng bạo lực, triệt hạ rất cao. Ngoài chấn thương của Tuấn Hải, các trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh, thủ môn Nguyễn Văn Việt cũng gặp chấn thương nhưng chưa đến mức phải nghỉ dưỡng.
Ấy là chúng ta chỉ mới tính ở vòng 13. Trước đó vài ngày, trong trận Hải Phòng - Thể Công Viettel, dù trọng tài rút ra đến 5 thẻ vàng nhưng vẫn chưa phản ảnh được tính chất quyết liệt đến mức bạo lực của trận đấu.
Chỉ tính riêng cầu thủ trẻ Khuất Văn Khang của đội khách Thể Công Viettel thôi cũng đã hai lần phải nhờ bác sĩ vào sân can thiệp khi bị phạm lỗi theo kiểu triệt hạ nhưng không có thẻ đỏ. Rất may Khuất Văn Khang không gặp chấn thương.
Người hâm mộ hẳn còn nhớ thực trạng hàng loạt trụ cột đã không thể tham gia đợt tập trung của đội tuyển Việt Nam cho Asian Cup 2023. Trong những nguyên nhân khiến chúng ta không thành công, có thể nói chấn thương của hàng loạt trụ cột cần được nhắc đầu tiên.
Trọng tài và Ban kỷ luật cần nghiêm khắc hơn với những pha vào bóng thô bạo. |
Những trận đấu với Indonesia cũng gợi đến một chi tiết: Chúng ta đã thua Indonesia ở Asian Cup như thế nào? Đó là một pha phạm lỗi vụng về trong vòng cấm và không qua mắt được VAR. Sau trận đấu đó, dư luận nói rất nhiều về kinh nghiệm thi đấu quốc tế của cầu thủ Việt Nam, khi mà ngay cả việc đá dưới sự quan sát của VAR tại V.League cũng không làm cho họ tỉnh táo hơn trong các quyết định của mình. Đặc biệt, sự cay cú ăn thua dẫn đến rất nhiều pha bóng bạo lực.
Chẳng hạn trường hợp phạm lỗi của Nhâm Mạnh Dũng với Thành Long trong trận đấu trên sân Hàng Đẫy. Thời điểm đó, Thể Công Viettel đang dẫn 3-0 và trận đấu chỉ còn 10 phút. Cá nhân Mạnh Dũng đã có một thẻ vàng trước đó, còn tình huống bóng thì đang ở giữa sân, vậy mà tiền đạo của chủ nhà vẫn đuổi theo và đạp vào gót chân của Thành Long. Pha phạm lỗi ấy rất vô nghĩa đối với Mạnh Dũng và câu lạc bộ của anh nhưng có thể dẫn đến chấn thương nghiêm trọng cho Thành Long.
Những trận đấu kể trên đều có VAR. Nghĩa là về lý thuyết, nó sẽ khiến cầu thủ cẩn trọng và tỉnh táo hơn trong thi đấu vì sự trừng phạt sẽ nặng nề hơn. Vậy nhưng, đó chỉ là lý thuyết mà chúng ta tưởng tượng ra, còn thực tế thì cầu thủ của chúng ta vẫn đang "vô tư" chơi theo bản năng. Không nghĩ đến VAR, cũng chẳng "nể nang" các đồng nghiệp đều là trụ cột ở đội tuyển.
Bóng đá là môn đối kháng, chấn thương có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, thế nên việc răn đe, ngăn ngừa quan trọng hơn việc trừng phạt. Đây chính là ý nghĩa tích cực của VAR cũng như sự nghiêm minh, quyết liệt của các trọng tài. Rõ ràng, hai con số về thẻ đỏ của 12 vòng trước và chỉ tính riêng vòng 13 cũng cho thấy nếu mọi thứ không được ngăn chặn sớm, áp dụng một cách liên tục thì hậu quả của nó sẽ tai hại.
Ngoài các câu lạc bộ cần liên tục giáo dục cầu thủ, đội ngũ trọng tài cùng Ban kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phải có chế tài đủ mạnh thì mới trả lại vẻ đẹp cũng như tinh thần thể thao trên các sân cỏ. Chỉ khi các cầu thủ hành xử văn minh, biết trân trọng đôi chân đồng nghiệp thì nền bóng đá mới phát triển toàn diện.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc