Bóng đá Việt Nam cần nhận diện lại vị thế
Làm thế nào để bóng đá Việt Nam trở lại vị thế ở khu vực và hướng đến mục tiêu cao hơn trong tương lai? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời trong bối cảnh hiện nay.
Cần “tái cấu trúc” trên nhiều phương diện
Những thất bại gần đây của đội tuyển Việt Nam đã cho thấy nền tảng bóng đá nước nhà lúc này chưa đáp ứng được mục tiêu dự World Cup. Dấu ấn trong lần đầu lọt vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á hay thất bại tại vòng loại World Cup 2026 đều mang lại những bài học và giá trị khác nhau.
Chúng ta đã có 2 kỳ AFF Cup 2021, 2022 chất lượng không cao cùng những biểu hiện “đứt gãy” ở cuối chu kỳ của Huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo. Quan sát khu vực Đông Nam Á, chúng ta thấy bóng đá Thái Lan từng thống trị rất lâu ở khu vực nhưng cũng không thể vượt giới hạn, có thời điểm đi xuống. Bóng đá Việt Nam đã có thời điểm được xem như “hưng thịnh” 2018 - 2022 với một lần vô địch AFF Cup, hai lần giành Huy chương Vàng SEA Games, vào đến tứ kết Asian Cup 2019 cùng với mốc son ở các giải đấu trẻ U23, ASIAD, đỉnh điểm chiến tích lần đầu có mặt ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Tuy vậy, ở giới hạn này, đội tuyển Việt Nam dù đã nỗ lực hết mình vẫn thua nhiều hơn thắng khi chạm trán những đối thủ hàng đầu châu lục.
Vì thế, bóng đá Việt Nam cần “tái cấu trúc” trên nhiều phương diện cho chu kỳ mới. Chúng ta cần xác định rõ mục tiêu cụ thể, chiến lược bài bản, lộ trình phát triển thế nào. Câu hỏi đặt ra đối với bóng đá Việt Nam lúc này đó là vị thế ở khu vực Đông Nam Á hiện nay ra sao, làm thế nào để tiệm cận nhóm đầu châu Á. Từ đó, chúng ta phải rà soát toàn bộ nền tảng của bóng đá nội, từ chất lượng cầu thủ, chất lượng hệ thống bóng đá trẻ, hệ thống các giải đấu quốc nội. Ở đó, mục tiêu ngắn hạn thế nào, tầm nhìn chiến lược của bóng đá Việt Nam ra sao? Nghĩa là có phương hướng cụ thể mới có đường đi đúng đắn.
Bóng đá Việt Nam cần nhanh chóng xốc vác lại hành trang để hướng đến những mục tiêu cao hơn. Ảnh: VFF |
Không chỉ là nhiệm vụ của riêng huấn luyện viên
Sau những cuộc tuyển chọn, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã quyết định mời HLV Kim Sang Sik dẫn dắt các đội tuyển Việt với bản hợp đồng có thời hạn 2 năm. Rất nhiều kỳ vọng rằng nhà cầm quân người Hàn Quốc sẽ “mát tay” để mang đến những thành công cùng bóng đá Việt Nam giống như người đồng hương Park Hang-seo đã từng có được.
Tuy nhiên, vực dậy đội tuyển Việt Nam không chỉ là nhiệm vụ của HLV, mà là của cả nền bóng đá. HLV trưởng đội tuyển quốc gia suy cho cùng chỉ là người nắm phần ngọn. Họ giống như một người “thợ xây” để thực hiện công trình. Phần còn lại từ thiết kế và chất liệu phải do thực lực của chúng ta, tức nền tảng bóng đá Việt Nam đang có ở mức độ nào.
Chất lượng cầu thủ, đó là “nguyên liệu” chính để các HLV thể hiện tài năng của mình. Bóng đá nước nhà cần những lò đào tạo trẻ được đầu tư tối ưu để đào tạo nên những cầu thủ thật sự chất lượng. Nếu không có các cầu thủ giỏi, các HLV đẳng cấp cũng không có cách nào mang chiến thắng về cho bóng đá Việt Nam.
Khâu đào tạo cầu thủ trẻ thời gian gần đây có phần chững lại. Bóng đá Việt Nam chưa thể sản sinh đủ nhiều cầu thủ chất lượng cho giấc mơ World Cup. Nhiều trung tâm, lò đào tạo chưa có cách làm bài bản. Các trung tâm đào tạo trẻ có cải thiện, nhưng còn nhiều hạn chế. Lực lượng HLV đào tạo trẻ đang thiếu cả về số lượng và chất lượng.
Bóng đá Việt Nam phải nhanh chóng nhìn lại những gì đã trải qua để rà soát lại mọi thứ, vạch ra chiến lược cụ thể để cùng tân HLV trưởng vực dậy đội tuyển Việt Nam, giúp bóng đá Việt Nam không chệch hướng, trở lại quỹ đạo phát triển.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc