Multimedia Đọc Báo in

V.League 2023 - 2024: Nhìn từ chức vô địch của Nam Định

08:44, 30/06/2024

Sau 39 năm, sân Thiên Trường của Câu lạc bộ (CLB) Nam Định mới chứng kiến đội nhà đăng quang ngôi vô địch V.League. Việc một đội bóng tỉnh lẻ như Nam Định vượt lên giành ngôi vô địch sau 39 năm là chuyện khá lạ của bóng đá Việt Nam.

1. Từ lần đầu vô địch quốc gia năm 1985, khi giải đấu cao nhất quốc nội mang tên Giải A1 toàn quốc, người Nam Định phải cần đến 39 năm mới lại có niềm vui trọn vẹn. CLB Nam Định lên đỉnh V.League 2023 - 2024 cũng là thành quả xứng đáng cho nỗ lực không chỉ trong mà cả ngoài sân cỏ. Cổ động viên thành Nam nổi tiếng nhiệt tình, đam mê bóng đá, và tình yêu đó là chất xúc tác cho thầy trò Huấn luyện viên (HLV) Vũ Hồng Việt thăng hoa.

Chức vô địch V.League là khát khao của cổ động viên Nam Định. Họ chứng kiến đội bóng đi qua quá nhiều thăng trầm. Nam Định từng đoạt ngôi Á quân V.League năm 2004, đoạt Cúp Quốc gia năm 2007. Tuy nhiên sau đó, đội bóng thành Nam xuống hạng năm 2010 và thậm chí có giai đoạn bị đẩy xuống giải hạng Nhì. Sau nhiều mùa bóng phải lao đao trụ hạng, từ năm 2023 Nam Định mới thật sự lột xác.

Nam Định vô địch xứng đáng sau 39 năm chờ đợi.

Đội bóng có lượng cổ động viên sân nhà và sân khách hùng hậu bậc nhất V.League đã chờ đợi rất lâu để nếm trải cảm giác “trên đỉnh vinh quang”. Cổ động viên Nam Định từng phản ứng dữ dội với chính đội nhà năm ngoái, nhưng "giận thì giận mà thương thì thương", hàng vạn người nô nức kéo đến sân Thiên Trường để "mở hội" đón cúp vô địch sớm. Hình ảnh hàng vạn khán giả lèn kín sân Thiên Trường ở trận tiếp Khánh Hòa cho thấy tất cả muốn chứng kiến thời khắc lịch sử của đội bóng quê hương.

2. Hà Nội FC năm nay dường như quan tâm nhiều hơn đến đấu trường AFC Champions League để rồi xao nhãng V.League. Hơn thế, đội bóng Thủ đô cũng gặp nhiều chông chênh khi những trụ cột lần lượt chia tay còn vị trí HLV trưởng cũng phải thay đổi đôi lần. Đương kim vô địch Công An Hà Nội còn tệ hơn khi tự “bắn vào chân mình” bởi cũng “năm lần bảy lượt” thay tướng. Thanh Hóa không còn bùng nổ như những mùa giải trước khi cá tính của đội bóng xứ Thanh có dấu hiệu nhạt phai và HLV Popov cũng dần “hết phép”. Thể Công Viettel có những thời điểm rơi xuống nhóm đua trụ hạng. Bình Định hay B.Bình Dương, những đội bóng luôn bám sát Nam Định không còn đủ lực để theo đến cùng.

Từ câu chuyện một số CLB thiếu tiền, nợ lương, cắt thưởng để cầu thủ liên miên “đình công” mới thấy đã đến lúc các đội bóng phải xây dựng giá trị thật cho mình. V.League cần được vận hành bằng việc mỗi CLB phải chăm bẵm cái gốc từ đào tạo trẻ; vận động tài trợ tốt; xây dựng được lực lượng khán giả hùng hậu và chuyên nghiệp. Chỉ khi CLB tạo dựng được bản sắc mới nghĩ đến việc phát triển vững mạnh. Bản sắc không thể có ngay ngày một ngày hai mà cần được tích lũy, vun đắp. Đã có nhiều cái tên lẫy lừng của bóng đá Việt biến mất khi họ đánh mất bản sắc vốn là thứ quý giá nhất mà nhiều địa phương đã nhọc công gầy dựng cho đội bóng mình suốt chiều dài lịch sử.

Tóm lại, tất cả dứt khoát phải thay đổi sâu sắc hơn về tư duy và hành động làm bóng đá. Thay đổi để không chỉ nâng tầm giải đấu, còn đáp ứng yêu cầu phát triển của bóng đá chuyên nghiệp nước nhà. Bởi V.League chính là bệ phóng của các cấp độ đội tuyển Việt Nam.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.