Multimedia Đọc Báo in

Khi người Đức "ăn vạ"!

11:38, 09/07/2024

Hơn 30.000 người ký đơn yêu cầu đá lại trận Tây Ban Nha thắng Đức. Họ yêu cầu Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) tổ chức đá lại trận này với lý do “Cỗ xe tăng” đáng lẽ phải được hưởng penalty ở phút 106. Chuyện tưởng chỉ xảy ra ở bóng đá Đông Nam Á vậy mà đã hiển hiện ở một nền bóng đá đỉnh cao như Đức.

Kiện... củ khoai!

 Ngày 5/7, Tây Ban Nha chạm trán Đức ở tứ kết Euro 2024. “La Roja” vượt qua “Cỗ xe tăng” theo cách đầy kịch tính bằng bàn thắng của Mikel Merino ở phút 119. Thầy trò Luis de la Fuente bước vào bán kết và sẽ đối đầu Pháp (ngày 10/7).

Tiêu điểm gây tranh cãi ở trận này đến vào phút 106. Jamal Musiala tung cú sút ngoài vòng cấm Tây Ban Nha. Bóng chạm tay Marc Cucurella nhưng trọng tài Anthony Taylor không để Đức hưởng phạt đền. VAR thậm chí cũng không can thiệp tình huống này. Không phục trước kết quả này, người hâm mộ Đức đã ký vào một lá đơn gửi UEFA, yêu cầu đá lại trận Tây Ban Nha và Đức. Lá đơn được lập thông qua trang web Change.org và hiện đã có hơn 30 nghìn người ký tên. Người hâm mộ Đức dựa vào tình huống “Cỗ xe tăng” bị từ chối quả phạt đền 11 m ở phút 106 để yêu cầu UEFA cho đá lại.

Lá đơn ghi rõ: “Trận tứ kết Euro 2024 do trọng tài Anthony Taylor điều khiển rõ ràng đã diễn ra không công bằng. Sau một tình huống bóng rõ ràng đã chạm tay Marc Cucurella trong vòng cấm của Tây Ban Nha, Đức không được hưởng quả phạt đền mà họ đáng ra được nhận. Điều này khiến trận đấu diễn ra theo chiều có lợi cho Tây Ban Nha. Do đó, chúng tôi yêu cầu UEFA cho đá lại trận đấu này đồng thời điều tra trọng tài Taylor về tính trung lập của ông ta và đưa ra hình phạt nếu cần”.

Lá đơn của người hâm mộ Đức gần như chắc chắn không thể tác động đến UEFA. Tây Ban Nha vẫn là đội đi tiếp và sẽ đối mặt Pháp trên sân Allianz Arena vào rạng sáng thứ Tư tới (ngày 10/7). Trước thềm Euro 2024, các trọng tài được khuyến cáo không thổi phạt đền nếu cánh tay cầu thủ ở một bên, hướng xuống theo chiều dọc hoặc phía sau cơ thể.

Tình huống Marc Cucurella để bóng chạm tay gây ra nhiều tranh cãi. Ảnh: REUTERS

“Của đau con xót”

 Để chuẩn bị cho việc đăng cai Euro 2024, Đức đã đầu tư một số tiền khổng lồ vào hạ tầng, sân vận động, và các dịch vụ liên quan. Theo báo cáo từ Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB), con số này lên tới khoảng 1,5 tỷ euro. Số tiền này được phân bổ cho việc nâng cấp các sân vận động, cải thiện hệ thống giao thông, và đảm bảo an ninh cho sự kiện.

Euro 2024 đã tác động tích cực đến nền kinh tế và du lịch của Đức: Nước này đã đón hàng triệu du khách quốc tế đến tham dự và cổ vũ cho các trận đấu, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngành du lịch, đặc biệt là các dịch vụ lưu trú, nhà hàng và các điểm tham quan. Việc chuẩn bị và tổ chức giải đấu đã tạo ra hàng nghìn việc làm tạm thời trong các ngành dịch vụ, xây dựng và an ninh. Mặt khác, điều này giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng thu nhập cho người lao động. Những cải tiến về hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất phục vụ Euro 2024 cũng sẽ tiếp tục mang lại lợi ích lâu dài cho Đức, phục vụ cho các sự kiện thể thao và giải trí trong tương lai.

Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ  đáp ứng kỳ vọng của người Đức. Trước khi giải đấu bắt đầu, họ đã kỳ vọng đội tuyển quốc gia sẽ tiến sâu vào giải, ít nhất là vào bán kết hoặc thậm chí giành chức vô địch. Thực tế, chủ nhà đã thể hiện phong độ rất tuyệt vời. Vì vậy, thất bại trước Tây Ban Nha ở tứ kết đã để lại nỗi thất vọng sâu sắc.

Chính vì thế, khán giả Đức không thể chấp nhận được việc họ bị loại ở tứ kết. Và câu chuyện "ăn vạ" ở trên nghe hơi hài hước nhưng thông qua đó chúng ta hoàn toàn thông cảm được nỗi ấm ức của người Đức.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.