V.League 2023 - 2024: Một mùa giải nhiều ưu tư
Sau hơn 8 tháng ròng rã, V.League 2023 - 2024 đã khép lại với không ít những ưu tư của một mùa giải quá nhiều vấn đề nhưng lại ít điểm nhấn.
Mùa giải V.League 2023 - 2024 - mùa đầu tiên mà bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam được tổ chức theo thể thức mới mẻ (áp dụng lịch thi đấu vắt qua hai năm để phù hợp với lịch chung của bóng đá thế giới) đã khép lại với chiến thắng thuộc về Câu lạc bộ (CLB) Nam Định.
Thiên Trường mở hội
Gần bốn thập niên kể từ danh hiệu Vô địch quốc gia lần đầu tiên (năm 1985), Nam Định một lần nữa bước lên ngôi vương của bóng đá Việt Nam cấp CLB. Xuyên suốt chặng đường đến ngôi vô địch, thầy trò Huấn luyện viên (HLV) Vũ Hồng Việt thể hiện một phong độ ấn tượng: thắng nhiều trận nhất (16 trận), thua ít nhất (5 trận), ghi nhiều bàn nhất (60 bàn). CLB Nam Định lên ngôi V.League 2023 - 2024 cũng là thành quả xứng đáng cho nỗ lực không chỉ trong mà cả ngoài sân cỏ.
Chính sách “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” của đội bóng thành Nam trong suốt hai năm qua đã thu về “quả ngọt” ở mùa giải năm nay. Nam Định “thay da đổi thịt” khi đưa về hàng loạt bản hợp đồng đình đám như thủ môn Nguyên Mạnh; các hậu vệ Dương Thanh Hào, Hồng Duy, Văn Kiên, Văn Vĩ; hàng tiền vệ với Văn Công, Văn Vũ, Lý Công Hoàng Anh cùng các ngoại binh như Hendrio, Lucas Alves và đặc biệt là Rafaelson, “khẩu thần công” đã góp hơn một nửa số bàn thắng của toàn đội (31 bàn) trên hành trình chinh phục danh hiệu V.League.
Nam Định không những hay mà còn may khi các đối thủ của họ đồng loạt suy yếu. Hà Nội FC đầu mùa sa sút do phải phân chia lực lượng ở đấu trường AFC, đến khi tìm được sự ổn định với HLV Daiki Iwamasa thì không còn quyền tự quyết. Công An Hà Nội bất ổn khi liên tục thay tướng; trong khi Thể Công - Viettel dưới thời HLV Nguyễn Đức Thắng dù rất tiềm năng nhưng chưa định hình được lối chơi.
Có thể nói, dù hành trình đi đến ngôi vương chưa thật hoàn hảo nhưng Nam Định xứng đáng lên ngôi bởi tiềm lực đầu tư, khát khao và nỗ lực của chính họ.
Câu lạc bộ Nam Định lên ngôi vô địch mùa giải V.League 2023 - 2024. Ảnh: VPF |
“Khoảng lặng” bóng đá miền Trung
Ngoại trừ Thanh Hóa để lại dấu ấn mùa trước và Bình Định thăng hoa với ngôi á quân V.League mùa này, những đội bóng miền Trung còn lại đều gặp khó khăn.
Khánh Hòa từng được xem như "hình mẫu" của bóng đá miền Trung vượt khó. Xuống hạng rồi lên hạng được xem là chuyện thường ngày của bóng đá phố biển Nha Trang. Mùa giải trước, Khánh Hòa chật vật trụ hạng, còn năm nay, họ đã “nghèo còn gặp eo”. Lý do vẫn là chuyện nợ lương, nợ tiền lót tay cầu thủ âm ỉ, kéo dài, lâu lâu lại bùng lên. Vì thế, không mấy ngạc nhiên khi năm nay Khánh Hòa đã phải ngậm ngùi chia tay V.League. Quả thật đắng xót cho bóng đá xứ “Trầm hương”, nhưng thà rớt hạng để “xóa cờ làm lại”, còn hơn mãi cảnh lay lắt như hiện nay.
CLB Sông Lam Nghệ An (SLNA) cũng “hút chết” khi đến giờ cuối mới biết mình trụ hạng thành công. Nghiệt ngã ở chỗ, nếu SLNA ở lại V.League thì họ đẩy chính người “anh em” Hồng Lĩnh Hà Tĩnh vào trận play-off đầy may rủi với PVF-CAND. SLNA vốn được xem như "cái nôi" của bóng đá Việt Nam. Có một thời, nhiều địa phương, nhiều CLB "cắp cặp" đến xứ Nghệ học cách làm bóng đá. Những tưởng khi được chuyển giao cho nhà đầu tư mới, mọi thứ sẽ xông xênh hơn nhưng rồi khó khăn đang bủa vây đội bóng xứ Nghệ.
Cũng bởi vì khó khăn về tài chính nên ngay khi chuẩn bị mùa giải, bóng đá xứ Nghệ đành ngậm ngùi nhìn những cầu thủ tốt nhất của mình lần lượt ra đi. Ở phía ngược lại, họ không mua bất kỳ cầu thủ nào mà chủ trương chỉ dùng cầu thủ "cây nhà lá vườn".
Có nhiều nguyên nhân nhưng nếu chia các giai đoạn mang tính cột mốc, có thể thấy sự xuống cấp của các đội bóng miền Trung thể hiện rõ nhất khi giải Vô địch quốc gia chuyển sang chuyên nghiệp. Một trong những yếu tố cốt lõi nhất vẫn là nguồn lực đầu tư hạn hẹp.
SLNA, Hoàng Anh Gia Lai, SHB Đà Nẵng nổi tiếng với công tác đào tạo nhưng thành tích chỉ nổi bật ở các giải trẻ. Còn hơn 10 năm nay, các CLB luôn trong tình cảnh lo chuyện trụ hạng. Mùa giải năm nay cũng chẳng khác mấy. Không biết bao giờ bóng đá miền Trung mới hết gập ghềnh?
Đã đến lúc các đội bóng phải xây dựng giá trị thật cho mình. Các CLB chuyên nghiệp Việt Nam cần xây dựng hướng đi mới hơn, dựa trên nền tảng kinh tế vững mạnh, công tác đào tạo trẻ phải bền bỉ.
Tóm lại, tất cả dứt khoát phải thay đổi sâu sắc hơn về tư duy và hành động. Thay đổi để không chỉ nâng tầm giải đấu mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển của bóng đá chuyên nghiệp nước nhà. Bởi V.League chính là bệ phóng của các cấp độ đội tuyển Việt Nam.
Nam Giao
Ý kiến bạn đọc