Multimedia Đọc Báo in

Cần khơi thông nguồn lực cầu thủ Việt kiều

08:51, 08/09/2024

Bóng đá Việt Nam đã đón nhận rất nhiều cầu thủ Việt kiều, kể từ ngày bước lên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, “khơi thông” và trọng dụng nguồn lực này như thế nào vẫn là câu chuyện dài cùng những thách thức lớn.

Tín hiệu vui

Với việc Ban tổ chức V.League thay đổi chính sách liên quan đến cầu thủ Việt kiều, đội tuyển Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn. Chúng ta nên ưu tiên cho những cầu thủ Việt kiều, mang "dòng máu" Việt có đủ năng lực cùng khát khao cống hiến cho đội tuyển Việt Nam. Đó là nguồn lực cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn bóng đá Việt Nam có dấu hiệu “đứt gãy” lực lượng kế cận thời gian gần đây. Xu thế chung của thế giới là hội nhập, là tận dụng nhiều nguồn lực để phát triển, cầu thủ Việt kiều cũng cần được tạo điều kiện để thể hiện năng lực của mình.

Những năm gần đây, đã có các cầu thủ Việt kiều hồi hương, được các đội bóng trong nước chiêu mộ, chứng tỏ V.League cũng đã có sức hút, tạo ra sự lan tỏa. Các cầu thủ Việt kiều luôn khát khao được khoác áo đội tuyển quốc gia. Nếu họ thực tài, khát khao cống hiến, cảnh cửa đội tuyển quốc gia luôn rộng mở. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là làm cách nào để chọn ra những cầu thủ phù hợp và tạo điều kiện giúp họ trở về nước, cống hiến tài năng cho các đội tuyển.

Bóng đá Việt Nam phải có những chính sách cụ thể mời gọi, mở đường cho nguồn “ngoại lực” này. Phải làm sao để các thủ tục đơn giản hơn, cơ chế điều chỉnh thông thoáng nhất nhằm “khơi thông” dòng chảy này, tránh lãng phí. Tất cả còn liên quan đến nhiều vấn đề trong đó cả quyền lợi cho các cầu thủ Việt kiều.

Thủ môn Đặng Văn Lâm đã góp phần giúp đội tuyển Việt Nam tăng sức hút lẫn sức mạnh trong thời gian qua. Ảnh: VFF

Đánh thức và trọng dụng

Cần trọng dụng song chúng ta cũng phải chắt lọc để có được những nhân tố chất lượng từ các cầu thủ Việt kiều. Nhìn lại sẽ thấy, đã có không ít cầu thủ Việt kiều về nước chơi bóng nhưng để có được một chỗ đứng ở câu lạc bộ thì họ phải thực sự xuất sắc. Bởi, trước đây quy định cầu thủ Việt kiều chỉ được tính là một ngoại binh, bây giờ mới được tính như nội binh. Do đó, các câu lạc bộ đều ưu tiên lấy cầu thủ ngoại, tầm quan trọng vô cùng lớn trong hệ thống chiến thuật. Có được vị trí ở câu lạc bộ đã khó, đường đến đội tuyển quốc gia càng gian nan hơn. Gần 25 năm phát triển bóng đá chuyên nghiệp, chỉ có thể kể ra những gương mặt “hiếm hoi” gốc Việt thành công như Đặng Văn Lâm, Mạc Hồng Quân, Nguyễn Filip.

Từ chính sách thu hút nhân tài bóng đá Việt ở nước ngoài của VFF, thời gian đến, chắc chắn các câu lạc bộ sẽ quan tâm tới nguồn lực này. Mặt khác, những cầu thủ Việt kiều đẳng cấp thực sự có thể an tâm về nước khi điều kiện thu nhập ở V.League hiện nay (lương, thưởng, phí chuyển nhượng) đã rất cao. Điển hình như thủ môn Đặng Văn Lâm, anh đã đạt nhiều kết quả tích cực kể từ khi về nước.

Để có được vị trí hay thành công khi trở về Việt Nam thi đấu, mỗi cầu thủ Việt kiều đều phải đáp ứng những tiêu chí cần thiết: cùng với tiêu chí về chuyên môn là khả năng hòa nhập, cả về văn hóa, lối sống lẫn môi trường bóng đá Việt Nam. Sự khác biệt về văn hóa, con người, bầu không khí ăn tập, lối chơi và cách vận hành của các câu lạc bộ Việt Nam đôi khi trở thành rào cản. Nhiều cầu thủ thậm chí còn chưa “sõi” tiếng Việt dẫn đến việc hòa nhập rất khó khăn. Với tâm lý đôi khi “xem thường” V.League và cho đây chỉ là một giải đấu ít mang tính cạnh tranh, nhiều cái tên đã nhận phải “trái đắng” bởi chuyên môn của họ thậm chí còn không đáp ứng nổi yêu cầu của đội bóng chủ quản.

Về lý thuyết, một khi số lượng cầu thủ gốc Việt rải đều khắp các câu lạc bộ, lại có chất lượng và được đào tạo ở môi trường bóng đá có tính chuyên nghiệp cao, chắc chắn sẽ góp phần nâng tầm V.League, tạo hấp lực để kéo khán giả lẫn nhà tài trợ. Từ đó, sẽ giúp đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam có nhiều điều kiện để bổ sung lực lượng có chiều sâu. Rõ ràng, nguồn lực từ cầu thủ Việt kiều rất có tiềm năng, cần được đánh thức.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc