Multimedia Đọc Báo in

Từ V.League đến AFC Champions League

07:28, 06/07/2025

Nam Định cùng Công an Hà Nội sẽ bước vào mùa giải 2025 - 2026 đầy thử thách nhưng cũng nhiều cơ hội khi tham dự hai đấu trường AFC Champions League Two và ASEAN Football Clubs Championship.

Nếu thi đấu ấn tượng, họ không chỉ khẳng định vị thế mà còn góp phần nâng điểm cho V.League, giúp bóng đá Việt Nam tiến gần hơn tới AFC Champions League Elite.

Đừng để các giải đấu châu lục là "gánh nặng"

Nhìn lại sẽ thấy, các câu lạc bộ (CLB) trong nước lâu nay ít khi coi trọng các giải châu Á. Kinh phí eo hẹp, khoảng cách trình độ với các CLB trong khu vực châu Á lại quá lớn là những rào cản mà các đội bóng Việt Nam lâu nay khó vượt qua. Trong khi đó, áp lực thành tích ở giải quốc nội như V.League và hạng Nhất rất nặng nề. Thế nên, các đội bóng đều chọn giải pháp đá hời hợt ở đấu trường châu lục. Đã nhiều năm, các đội bóng ra đấu trường châu lục thi đấu kiểu "xong sớm về sớm" chứ không muốn "ôm rơm rặm bụng".

Nhìn chung, 25 năm giải chuyên nghiệp ra đời với nhiều lần được tham dự các giải tranh cúp châu Á nhưng các CLB Việt Nam vẫn không thể tạo được bất ngờ lớn ở hai giải đấu đỉnh cao châu Á. Nhiều CLB chấp nhận bị phạt để không tham gia giải đấu. Nhiều đội góp mặt cho có, dẫn đến thi đấu bạc nhược làm mất thể diện nền bóng đá.

Dễ thấy, trước mỗi mùa giải chuyên nghiệp, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp (VPF) vẫn thường "du di" để các CLB được tham gia dù rằng còn thiếu các tiêu chí chuyên nghiệp. Điều đó nói lên một thực trạng: dù 25 mùa phát triển bóng đá chuyên nghiệp nhưng nhiều CLB vẫn không chú trọng xây phần móng vững chắc. Để đạt chuẩn VFF đã khó, được Liên đoàn Bóng đá châu Á công nhận càng đòi hỏi cao hơn.

Cải thiện và nâng cấp nền bóng đá cần sự đồng bộ của rất nhiều khâu, rất nhiều công đoạn, trong đó hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chính là đầu ra quan trọng nhất, quyết định thành bại.

Nam Định và Công An Hà Nội cho thấy được khát vọng của mình khi bước ra đấu trường châu lục. Ảnh: VPF

Cần nuôi dưỡng khát khao "vươn ra biển lớn"

Đã 25 mùa giải chuyên nghiệp nhưng nếu soi kỹ càng, phân tích cặn kẽ các tiêu chí đòi hỏi của một CLB bóng đá chuyên nghiệp, sợ rằng số CLB đạt chuẩn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể, điều kiện sân bãi, cơ sở vật chất tập luyện, thi đấu còn quá hạn chế. Tình hình tài chính phập phù, phụ thuộc vào nhà tài trợ. Một số CLB không có đủ các tuyến trẻ như yêu cầu. Một nền bóng đá chuyên nghiệp cần có các CLB thực sự chuyên nghiệp. Tuy nhiên, xét các tiêu chuẩn, quá ít CLB sống được bằng thực lực. Đấy cũng là những vấn đề cần được bóng đá Việt Nam nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện một cách bền vững trong tương lai.

Thực tế cũng đã có một vài CLB trong nước quan tâm, đầu tư cho khát khao "vươn ra biển lớn" khi được dự AFC Champions League nhưng chừng đó chưa đủ. Ở AFC Champions League mùa giải 2023 - 2024, Hà Nội FC từng thắng cả đương kim vô địch Urawa Reds cũng như Wuhan Three Towns nhưng vẫn phải rời cuộc chơi sau khi kết thúc vòng bảng. Đấy là thành tích tốt nhất tại sân chơi này với một đại diện V.League. Song, điều đó cũng đã hé lộ rằng chúng ta có thể, nếu có một lộ trình, chiến lược phát triển bài bản.

Muốn tạo tiếng vang thật sự ở giải đấu châu lục, muốn bắt kịp các CLB của Thái Lan, Singapore, Malaysia, các CLB Việt Nam phải đầu tư thường xuyên, liên tục, quyết liệt hơn nữa. Trong bối cảnh bóng đá Thái Lan hay Malaysia đều ít nhiều gây tiếng vang ở AFC Champions League hay AFC Cup, các CLB Việt Nam cần cho thấy tham vọng đích thực của mình.

Nền tảng của mỗi nền bóng đá, của các đội tuyển quốc gia nằm ở cả CLB. Do đó, lộ trình phát triển dài hạn của các đội bóng (trong đó có cả tham vọng ở AFC Champions League Elite) là yếu tố quan trọng để thúc đẩy bóng đá Việt Nam tiến bộ. Bao giờ các CLB bóng đá Việt Nam làm nên lịch sử ở đấu trường châu lục, đấy cũng là câu hỏi lớn mà những người có trách nhiệm với nền bóng đá cần phải giải mã.

Đông Nghi


Ý kiến bạn đọc