Doanh nghiệp vận tải “ngóng chờ” tiêm vắc xin COVID-19 cho người lao động
Với đặc thù công việc di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, hàng nghìn người hoạt động trong lĩnh vực vận tải trên địa bàn tỉnh đang từng ngày “ngóng chờ” đến lượt tiêm vắc xin COVID-19 để an tâm chở hàng, chở khách.
Doanh nghiệp chưa sẵn sàng hoạt động
Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, từ cuối tháng 5-2021 đến ngày 11-9-2021 (thời điểm TP. Buôn Ma Thuột áp dụng Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ) hoạt động vận tải hành khách tạm dừng trong thời gian dài.
Mới đây, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản đồng ý cho hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh được hoạt động trở lại và phải bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch theo quy định của các bộ, ngành và địa phương. Cụ thể, từ ngày 12-9, đối với các địa phương không áp dụng Chỉ thị 16, xe tuyến cố định, hợp đồng, du lịch trên mỗi tuyến, mỗi đơn vị chỉ hoạt động vận chuyển tối đa 1 chuyến/ngày; đảm bảo số lượng hành khách trên 1 chuyến xe không quá 50% số ghế trên xe và không quá 20 người.
Đối với xe buýt, thực hiện giảm tối thiểu 50% số chuyến theo lịch trình chạy xe hàng ngày, đảm bảo số lượng hành khách trên 1 chuyến xe không quá 50% số ghế trên xe và không quá 20 người. Đối với xe taxi, hoạt động tối đa 50% tổng số phương tiện của đơn vị.
Phương tiện của Công ty cổ phần vận tải ô tô Đắk Lắk đậu ở bãi tập kết xe trong thời gian tạm dừng hoạt động. |
Mặc dù đã cho phép hoạt động trở lại sau thời gian dài bị “siết chặt”, song đến thời điểm hiện tại, một số đơn vị vẫn chưa sẵn sàng vì phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro nếu đưa phương tiện ra kinh doanh.
Đơn cử như Hợp tác xã Vận tải hàng hóa và Hành khách Cư Mil (huyện Ea Súp) chủ yếu hoạt động xe khách tuyến cố định từ huyện Ea Súp đi các tỉnh phía Nam và xe buýt nội tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, xe buýt của đơn vị được phép hoạt động tuy nhiên trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và tỉ lệ tài xế, nhân viên phục vụ trên xe được tiêm vắc xin mới được khoảng 30% nên đơn vị chưa đưa phương tiện ra kinh doanh vào dịp này.
Cùng chung lý do, Công ty Cổ phần (CTCP) vận tải ô tô Đắk Lắk (TP. Buôn Ma Thuột), với khoảng 100 xe buýt, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa sẵn sàng cho hoạt động trở lại sau thời gian dài nghỉ kinh doanh để phòng, chống dịch.
Còn đối với các đơn vị vận tải hành khách bằng taxi đã đưa phương tiện ra khai thác trở lại, song chỉ hoạt động cầm chừng do lượng khách rất ít và phần lớn tài xế lo sợ dịch bệnh lây lan, trong khi bản thân chưa được tiêm vắc xin COVID-19 nên chưa sẵn sàng.
Hàng nghìn tài xế mong mỏi vắc xin
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, toàn tỉnh hiện có 136 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách. Trong đó, 57 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định có 298 tuyến liên tỉnh và 11 tuyến nội tỉnh; vận tải khách công cộng bằng xe buýt có 6 đơn vị với 26 tuyến; vận tải khách bằng taxi có 9 đơn vị. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 17 nghìn người hoạt động trong lĩnh vực vận tải gồm tài xế, nhân viên phục vụ trên xe – đây là các đối tượng thuộc diện ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ, song đến nay tỉ lệ người hoạt động trong lĩnh vực này được tiêm vắc xin COVID-19 rất khiêm tốn.
Ông Cao Anh Sáng, Giám đốc Chi nhánh CTCP Tập đoàn Mai Linh tại Đắk Lắk cho biết, xác định những người hoạt động trong lĩnh vực vận tải, đặc biệt là tài xế nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, trường hợp họ mắc bệnh khả năng làm lây ra cộng đồng rất lớn. Do đó, từ giữa tháng 8 năm nay, đơn vị đã có văn bản gửi cơ quan chức năng của tỉnh xem xét ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho 600 người là tài xế, và nhân viên của đơn vị để phòng ngừa bệnh trong hoạt động vận tải. Tương tự, CTCP Vận tải ô tô Đắk Lắk cũng có kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền về việc tiêm vắc xin cho 186 người lao động là tài xế, nhân viên phục vụ trên xe.
Nhiều xe của Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh tại Đắk Lắk nằm bãi cả ngày vì "ế khách". |
Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Đắk Lắk cho biết, Hiệp hội có hơn 5.100 thành viên làm việc trong các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có gần 1.300 người được tiêm vắc xin COVID-19, còn khoảng 3.828 người chưa được tiêm.
Việc tiêm vắc xin cho người hoạt động trong lĩnh vực vận tải là rất cần thiết, do đó các doanh nghiệp, HTX và Hiệp hội Vận tải ô tô Đắk Lắk đã có văn bản kiến nghị tỉnh, cơ quan chức năng của tỉnh ưu tiên phân bổ nguồn vắc xin để tiêm cho tài xế, nhân viên phục vụ trên xe. Trong đó, đối tượng ưu tiên hàng đầu là tài xế xe chở hàng hóa để họ yên tâm trong quá trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu, thiết bị y tế, nông sản, phân bón phục vụ sản xuất… từ địa phương này qua địa phương khác. Đối tượng ưu tiên tiếp theo là lái xe và nhân viên phục vụ trên xe của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và taxi.
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La cho biết, giải pháp khống chế dịch COVID-19 tốt nhất hiện nay là thực hiện tốt Thông điệp 5K của Bộ Y tế và tiêm vắc xin. Trong ngày 16-9, được sự phân bổ của Bộ Y tế thông qua Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, ngành Y tế tỉnh đã tiếp nhận được khoảng 50 nghìn liều vắc xin Astrazeneca.
Thời gian tới, Ngành Y tế sẽ tiến hành tiêm vắc xin cho các đối tượng ưu tiên gồm: lái xe, người thu mua nông sản, giáo viên. Khi lượng vắc xin về nhiều, ngoài thực hiện theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng, chống COVID-19 thì Ngành Y tế sẽ tiến hành tiêm diện rộng cho những địa phương thuộc diện vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ), vùng nguy cơ cao (vùng cam) và ở các khu vực xuất hiện chùm lây bệnh sau khi đã đưa đi cách ly đảm bảo tạo kháng thể trong cộng đồng.
Kim Hoàng
Ý kiến bạn đọc