Multimedia Đọc Báo in

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk làm việc với Tập đoàn TH

18:47, 04/03/2022

Sáng 4/3, tại thành phố Hà Nội, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn TH nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các hoạt động của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk. 

 

Tham gia buổi làm việc, về phía tỉnh Đắk Lắk có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tuấn Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện một số đơn vị liên quan. 

Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk được thành lập theo Quyết định số 2865/QĐ-UBND ngày 28/9/2016 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt phương án chuyển đổi Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh và Rừng Xanh (Đối tác tham gia là Công ty CP thực phẩm sữa TH Tây Nguyên). Công ty được giao quản lý, sử dụng diện tích hơn 27.666,19 ha tại các xã Ea Lê, Cư M’lan, Cư K’bang, xã Ea Rốk và thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp. 

mm
Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì buổi làm việc.

Đại diện Tập đoàn TH cho biết, sau khi thực hiện phương án chuyển đổi, từ năm 2016 đến nay, Tập đoàn đã giải quyết các khoản công nợ của hai Lâm trường Chư Ma Lanh và Lâm trường Rừng xanh để lại; đồng thời, giải quyết kịp thời chế độ cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, Tập đoàn đã góp vốn hàng năm để chi trả bổ sung cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, duy trì bộ máy hoạt động của doanh nghiệp đến nay trên 40 tỷ đồng.

Về công tác quản lý, phát triển rừng, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk đã triển khai tổ chức trồng 102,1ha keo lai, mắc ca, bạch đàn từ nguồn vốn của doanh nghiệp, kết hợp với hình thức nhận khoán. Bên cạnh đó, Công ty đã thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng để quản lý bảo vệ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được Nhà nước giao. 

bbuf

Đồng chí Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. 

Tuy nhiên, do diện tích rừng manh mún, rời rạc, trữ lượng thấp, chủ yếu là rừng nghèo kiệt đã gây khó khăn công tác quản lý bảo vệ. Nhiều dự án, phương án sản xuất kinh doanh đã xây dựng và đăng ký thực hiện nhưng chưa thể triển khai do không có quỹ đất “sạch” để thực hiện. Phần lớn diện tích đất rừng được giao quản lý là rừng khộp, nghèo kiệt với trữ lượng rất thấp. Bên cạnh đó, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt của huyện Ea Súp thực sự rất khó khăn, thiếu nghiêm trọng nguồn nước tưới trong mùa khô kéo dài. Đất đai cơ bản đã bị người dân xâm canh, chiếm dụng trái pháp luật từ lâu, hiện Công ty không có quỹ đất “sạch” để triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo phương án chuyển đổi, hầu như chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và thường xuyên phải đối mặt với tình trạng phá rừng, xâm chiếm diện tích đất được giao quản lý.

Công ty cũng đã đề xuất thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời, đăng ký với Chính phủ để thực hiện nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai do còn vướng mắc về cơ chế, chính sách. 

Tại buổi làm việc, Tập đoàn TH đề nghị thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ban ngành, chính quyền địa phương tiến hành thu hồi đất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân tự nguyện trả đất cho doanh nghiệp. Giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan chức năng, sớm bàn giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư có điều kiện triển khai thực hiện các dự án; chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp ngăn chặn các hành vi vi phạm, xử lý các đối tượng phá rừng, chiếm đất và chuyển nhượng tự do trái pháp luật; đồng thời đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý, thuận lợi cho việc quản lý rừng, quản lý đất đai và triển khai thực hiện các dự án đầu tư.  

Sau khi hoàn thành công tác thu hồi đất, Công ty sẽ tập trung mọi nguồn lực để triển khai các dự án trồng cây ăn quả như: mít, xoài…, cây dược liệu phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; nghiên cứu triển khai mô hình điện năng lượng mặt trời kết hợp trồng cây dược liệu, nuôi thủy sản nước ngọt… 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, tỉnh Đắk Lắk xác định đây là dự án quan trọng. Do đó, tỉnh sẽ thành lập Tổ công tác, tích cực phối hợp với nhà đầu tư để xử lý các vướng mắc. Tỉnh Đắk Lắk mong muốn Tập đoàn TH xác định đây là dự án đầu tư chiến lược lâu dài, tập trung nguồn lực cùng với tỉnh để triển khai thực hiện. 

Tuấn Hải     

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.