Multimedia Đọc Báo in

Dự án Đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột:

Sớm giải quyết dứt điểm những vướng mắc về giải phóng mặt bằng

08:12, 18/04/2022

Dự án Đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài khoảng 6,9 km, khởi công xây dựng từ năm 2015, là một trong những công trình giao thông trọng yếu trên địa bàn tỉnh.

Dự án do UBND TP. Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư, tuy nhiên đến nay, việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng để thi công dự án này vẫn chưa hoàn tất. Nguyên nhân là vẫn còn một số hộ dân tại xã Hòa Thắng chưa đồng ý di dời bàn giao đất.

Theo UBND TP. Buôn Ma Thuột, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3188/QĐ-UBND, ngày 30/12/2014 về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột, UBND thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; tiến hành lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ các trường hợp bị thu hồi đất theo quy định.

Quá trình triển khai thực hiện, hầu hết các hộ dân có đất bị thu hồi đã chấp hành và bàn giao mặt bằng để thi công công trình, hiện một số đoạn đã hoàn thiện các hạng mục chờ đấu nối toàn tuyến. Tuy nhiên đối với đoạn qua địa bàn xã Hòa Thắng có 56 hộ dân và Đình Lạc Sơn (tại thôn 1, thôn 2) có đất bị thu hồi nhưng không đồng ý bàn giao mặt bằng để thi công dự án.

Qua nhiều lần đối thoại, vận động, thuyết phục, có 21 hộ đã đồng ý di dời tài sản và bàn giao đất, còn lại 35 hộ và Đình Lạc Sơn không thống nhất với phương án bồi thường, hỗ trợ, không đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho Nhà nước thực hiện dự án.

Dự án Đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột (đoạn qua xã Hòa Thắng) đang thi công.

Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, nguyên nhân của việc không đồng ý di dời, bàn giao mặt bằng để thi công công trình là do người dân cho rằng nhiều nội dung của phương án bồi thường, hỗ trợ chưa hợp lý, bà con đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị nhưng vẫn không được UBND TP. Buôn Ma Thuột giải quyết dứt điểm. Bà Bùi Thị Hạnh (ở thôn 3, xã Hòa Thắng) cho rằng, gia đình bà có khoảng 400 m2 đất bị thu hồi để làm đường, nhưng chưa đồng ý khi UBND thành phố vẫn chưa đưa ra giá đất ở khu vực tái định cư. Còn theo ông Nguyễn Văn Muôn (ở thôn 3, xã Hòa Thắng): “Khi Nhà nước làm đường, chúng tôi rất mừng vì sẽ tạo điều kiện cho bộ mặt thành phố, quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp nên đồng thuận di dời để bàn giao mặt bằng. Song, thành phố tính giá bồi thường đất quá thấp so với mặt bằng chung trên địa bàn”.

 

Mới đây, UBND TP. Buôn Ma Thuột vừa tổ chức cưỡng chế thu hồi 4.483,5 m2 đất (đợt 1) đối với 6 hộ dân và 1 tổ chức là Đình Lạc Sơn (tại thôn 1, thôn 2) xã Hòa Thắng để thực hiện công trình đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đại Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, sau khi có phản ánh của người dân đối với giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng chức năng tiến hành kiểm tra, thẩm định lại. UBND thành phố cũng đã có phản hồi để người dân được biết, đồng thời tổ chức đối thoại, khẳng định rõ việc thực hiện công tác bồi thường và hỗ trợ đã được áp dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Riêng đối với việc xác định giá đất tái định cư và bốc thăm lô tái định cư tại xã Hòa Thắng bị chậm là do phải chờ khung giá đất của tỉnh ban hành. UBND TP. Buôn Ma Thuột sẽ tích cực làm việc với cấp có thẩm quyền và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khu tái định cư xã Hòa Thắng để người dân sớm ổn định cuộc sống. Đối với những hộ đồng ý di dời, bàn giao mặt bằng, nếu chưa có chỗ ở thì UBND thành phố cũng đã sắp xếp quỹ đất để bố trí cho người dân làm nhà. Còn những hộ có nhu cầu nhận đất ở khu tái định cư thì phải chờ.

Có thể nói việc thu hồi đất để thực hiện công trình Đường Đông Tây, TP. Buôn Ma Thuột là cần thiết, vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh nói chung và TP. Buôn Ma Thuột nói riêng. Trước biến động của thị trường bất động sản như hiện nay, người dân sau khi nhận tiền bồi thường khó mua lại được thửa đất tương đồng. Mặt khác việc tái định cư tại khu vực đất cùng địa bàn còn chậm khiến người dân không khỏi lo lắng.

Hy vọng, với sự vào cuộc của UBND TP. Buôn Ma Thuột, người dân sẽ sớm được tái định cư với mức giá phù hợp. Những vướng mắc về giải phóng mặt bằng tại xã Hòa Thắng sẽ sớm được giải quyết dứt điểm, tạo thuận lợi cho việc thi công xây dựng, hoàn thiện dự án.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.