Multimedia Đọc Báo in

Sở Tư pháp Đắk Lắk: Nỗ lực khẳng định vai trò cơ quan trọng yếu

15:41, 26/08/2022

Sở Tư pháp Đắk Lắk được thành lập theo Quyết định số 356/QĐ-UB ngày 2/8/1982 của UBND tỉnh, ban đầu được giao nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh quản lý đối với 4 lĩnh vực: ban hành văn bản pháp quy; tuyên truyền pháp luật; quản lý toà án nhân dân cấp huyện về tổ chức và bồi dưỡng cán bộ tư pháp.

Qua 40 năm hình thành và phát triển, Sở Tư pháp ngày càng được mở rộng về chức năng, nhiệm vụ. Với khối lượng công việc rất lớn nhưng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Sở Tư pháp đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao; ngày càng khẳng định vị thế, uy tín trong hoạt động quản lý, phục vụ nhân dân.

Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2022.
Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2022.

Nhờ những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hiệu quả từ đổi mới thực hiện nhiệm vụ, tiến độ và chất lượng hoạt động thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh được nâng lên rõ rệt, bảo đảm “an toàn” về pháp lý và khả năng tuân thủ, thực thi trong đời sống. Hơn 1.800 văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh từ năm 1982 đến nay đều có đóng góp quan trọng của Sở Tư pháp.

 

Sở Tư pháp Đắk Lắk được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì và Huân chương Lao động hạng Nhất vào các năm 2002, 2007 và 2012. Nhiều tập thể, cá nhân thuộc Sở đã được tặng các hình thức khen thưởng của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và UBND tỉnh.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tiếp tục có những bước chuyển mạnh mẽ nhờ chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải kịp thời chính sách, pháp luật tới người dân; tăng cường các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở cơ sở; bám sát nhu cầu tìm hiểu thông tin, pháp luật của người dân và ngày càng gắn kết với công tác thi hành pháp luật.

Lĩnh vực hộ tịch có nhiều bước đột phá theo hướng ứng dụng mạnh mẽ nền tảng công nghệ thông tin trong cung ứng dịch vụ, giảm khó khăn, phiền hà cho người dân với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến trên Cổng dịch vụ công cấp tỉnh; thực hiện lộ trình số hóa dữ liệu hộ tịch và từng bước kết nối đồng bộ với cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Lĩnh vực bổ trợ tư pháp đang trong giai đoạn đẩy mạnh xã hội hóa với 82 tổ chức, 68 người hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Các tổ chức này đã đáp ứng tốt nhu cầu bảo đảm an toàn pháp lý trong các giao dịch của các tổ chức và công dân.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp tiếp tục tập trung tham mưu và triển khai các giải pháp phát huy hiệu quả trong công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật. Công tác theo dõi thi hành pháp luật ở tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực với việc lựa chọn các lĩnh vực triển khai gần gũi với cuộc sống và được dư luận quan tâm: thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, lĩnh vực an toàn thực phẩm, về thực hiện các chính sách hỗ trợ trong bối cảnh dịch COVID-19…

Các đơn vị sự nghiệp của Sở trong lĩnh vực công chứng, đấu giá vẫn kiên trì phương châm “đổi mới, sáng tạo” và “gương mẫu thực hiện pháp luật, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, không chạy theo lợi nhuận”, vì vậy luôn tạo được niềm tin với các tổ chức, doanh nghiệp và công dân. Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong cải cách tư pháp nhờ đẩy mạnh trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp được thực hiện tốt, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý theo quy định.

Kiểm tra công tác theo dõi thi hành pháp luật tại TX Buôn Hồ
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Tuấn Quang phát biểu tại buổi kiểm tra công tác theo dõi thi hành pháp luật tại thị xã Buôn Hồ.

Những năm gần đây, Sở Tư pháp luôn giữ vững vị trí “top đầu” trong xếp hạng về công tác cải cách hành chính; số lượng thủ tục hành chính ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngày càng nâng lên; tỷ lệ hồ sơ quá hạn giảm dần theo từng năm.

Để đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ mới, tổ chức bộ máy của Sở không ngừng được củng cố, kiện toàn. Đến nay, tổ chức bộ máy của Sở gồm 11 phòng, đơn vị với 87 công chức, viên chức, người lao động có trình độ chuyên môn vững vàng. Sở cũng luôn coi trọng việc phối hợp với UBND cấp huyện để củng cố, kiện toàn đội ngũ công chức phòng Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.

Khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền”, “Vấn đề tư pháp là vấn đề ở đời và làm người”, trong thời gian tới, cán bộ, công chức, viên chức Sở Tư pháp quyết tâm giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nêu gương trong chấp hành pháp luật, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

      Nguyễn Tuấn Quang

Phó Giám đốc Sở Tư pháp

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.