Multimedia Đọc Báo in

“Khoảng lặng” từ văn hóa cơ sở

10:49, 26/08/2022

A Mang là Phó Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) huyện Cư M’gar vừa ký tặng tôi cuốn sách “Cây nêu trong Lễ hội mừng cơm mới của người Sê đăng” do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm và xuất bản vào năm 2021.

Đây cũng là cuốn sách thứ hai của anh ra mắt bạn đọc trong vòng bốn năm qua, sau cuốn “Truyện cổ Sê đăng”. Qua chuyện trò với A Mang, tôi biết anh là một trong số rất ít cán bộ làm văn hóa cơ sở có những công trình nghiên cứu văn hóa các tộc người tại chỗ một cách công phu, khoa học, giúp cơ quan chủ quản cũng như chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của mình.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Y Wem Hwing đánh giá: Với những công trình như thế đã góp phần nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị trong cộng đồng các dân tộc. Hơn thế, từ đó còn giúp mọi người hiểu và thực hành nếp văn hóa truyền thống của mình thêm đầy đủ và chân thực hơn. Ví như Lễ hội mừng cơm mới của người Sê đăng được tổ chức thường niên tại buôn Kon H’ring, xã Ea Hđing chẳng hạn - có thể nói công trình nghiên cứu, sưu tầm trên của A Mang thật sự là văn bản chuẩn nhất, không những giúp cộng đồng người Sê đăng ở đây tổ chức, thực hành đúng đắn vốn văn hóa của cha ông để lại, mà còn là tài liệu đáng tham khảo, giúp những ai quan tâm tìm hiểu ý nghĩa từ lễ hội đặc trưng và giàu bản sắc này. Anh Vi Von, Trưởng buôn Kon H’ring chia sẻ thêm: Nhờ công phu, tâm huyết ấy mà Lễ hội mừng cơm mới của người Sê đăng ngày càng hoàn thiện, cộng cảm hơn trong nhận thức của cộng đồng lẫn du khách tham dự.

Cộng đồng người Sê đăng buôn Kon Hring cộng cảm vào hội.

Phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá Cư M’gar là một trong những địa phương dẫn đầu trong công tác gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống là nhờ những người làm công tác văn hóa ở cơ sở có năng lực, giàu đam mê và có trách nhiệm thật sự. Còn ở một số địa phương khác, do trình độ nghiệp vụ chưa đáp ứng với thực tế; thiếu sự quan tâm, đầu tư đúng mức và đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm văn hóa cơ sở là người dân tộc thiểu số tại chỗ còn quá mỏng, khiến công tác bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc ở đây chưa đạt được kết quả như mong đợi. Nhiều người cho rằng, thực trạng chung của đội ngũ làm công tác văn hóa cấp cơ sở hiện nay chỉ dừng lại ở mức thông tin và tuyên truyền. Có nghĩa là chỉ mới thực hiện được một phần chức năng, nhiệm vụ được giao nếu hiểu theo nghĩa đầy đủ của cụm từ “văn hóa - thông tin” mà văn bản quản lý nhà nước đã quy định. Không ít người trong cuộc nhìn nhận hoạt động của các cơ quan VH-TT cấp cơ sở (từ huyện, thị xã trở xuống) hiện vẫn mang tính chất sự vụ là chủ yếu, còn việc chủ động xây dựng cho cơ quan, đơn vị mình một đề tài/dự án mang tính nghiệp vụ chuyên ngành thì vẫn còn bị bỏ ngỏ.

 Bà H’Loan Bdáp, Trưởng Phòng VH-TT huyện Lắk chia sẻ: Cứ thử nhìn vào báo cáo (hằng tháng, quý và hằng năm) thì hẳn rõ các hoạt động của ngành này như thế nào. Trong báo cáo cũng như trong công việc thực tế, hầu hết các phòng, ban, đơn vị trực thuộc ngành văn hóa đều nghiêng về mảng tuyên truyền, vận động là chính. Trong khi đó, hoạt động nghiên cứu, sưu tầm vốn văn hóa (nhất là văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ) chưa được những người làm công tác này ở cơ sở nhận thức đúng mức và đúng tầm.    

Phục dựng, trang trí cây nêu trong Lễ hội mừng cơn mới ở buôn Kon H'ring.

Qua tìm hiểu thực tế, tôi được biết thời gian qua rất ít phòng VH-TT nào ở các huyện, thị xã và thành phố đăng ký và thực hiện được một đề tài nghiên cứu và sưu tầm về văn hóa người bản địa, dù là đề tài cấp thấp nhất (ngoài anh A Mang, Phó Phòng VH-TT huyện Cư M’gar và một số cán bộ nghiệp vụ Bảo tàng Đắk Lắk). Thỉnh thoảng mới thấy một vài người do đam mê văn hóa nên tự thân lặn lội điền dã để nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa truyền thống mà mình ưa thích. Họ cùng chung tâm sự: Làm việc ấy cũng vì nhiều lý do, người thì xót xa trước thực trạng mai một văn hóa truyền thống; người tìm trong đó một chút niềm vui… Tuy nhiên, kèm theo những tâm sự ấy, họ cũng tỏ ra băn khoăn là những việc làm nói trên đang gặp phải khó khăn không dễ gì vượt qua. Anh Y Preng Drang, cán bộ Phòng VH-TT huyện Lắk giãi bày, đó là nghiệp vụ biên soạn, lưu trữ và văn bản hóa tài liệu, hiện vật sưu tầm được rất cần có phương tiện, điều kiện và kỹ năng mới tiến hành được nhằm đạt được hiệu quả công việc cần làm, dù cho bản thân mình, hay là cộng đồng xã hội đang quan tâm.

Từ những dẫn chứng trên cho thấy hiện đội ngũ làm công tác văn hóa ở cơ sở đang bộc lộ “khoảng lặng” đáng để suy nghĩ. Bởi nói cho cùng, họ là những người gần gũi, trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân nhất; đồng thời họ biết người dân trong cộng đồng quan tâm đến vấn đề gì liên quan đến đời sống văn hóa, tinh thần của mình để có những đề xuất, tham mưu đúng hướng và phù hợp cho cấp có thẩm quyền, qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở mỗi địa phương.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc