Sự lựa chọn của tự trọng và trách nhiệm
Ở nước ta trong nhiều năm qua, việc cán bộ tự nguyện từ chức là chuyện hiếm thấy. Trường hợp đáng chú nhất có ông Nguyễn Sự, trước đây là Bí thư Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã xin từ chức trong lúc đang lãnh đạo địa phương này đạt những kết quả tích cực, chưa ghi nhận có sai phạm gì và được người dân tin yêu, đánh giá cao.
Ngoài ông Sự, ít có cán bộ nào tự nguyện từ chức mặc dù có khuyết điểm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí kết quả hoạt động công tác của địa phương, ngành, lĩnh vực mình phụ trách ít chuyển biến. Chỉ khi nào bị cơ quan chức trách xử lý kỷ luật thì họ mới buộc phải mất chức.
Chiều 20/10, Quốc hội họp về công tác nhân sự. Ảnh: Quochoi.vn |
Mới đây, Quốc hội đã chính thức miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thể. Đây là bộ trưởng đầu tiên được Quốc hội miễn nhiệm giữa nhiệm kỳ theo nguyện vọng cá nhân chứ không phải do bị kỷ luật trước đó. Có thể thấy, việc một lãnh đạo cấp bộ thôi giữ nhiệm vụ giữa nhiệm kỳ là câu chuyện rất đáng chú ý. Dư luận đánh giá cao hành động này của người đứng đầu ngành giao thông vận tải. Nguyện vọng cá nhân của ông Nguyễn Văn Thể có thể đến từ sự trăn trở về một số vấn đề nhức nhối trong ngành chưa được giải quyết hoặc lý do khác, nhưng dù sao thì vẫn là vì những cái tốt cho đại cục, cái chung thay vì mục đích cá nhân.
Cán bộ tự nguyện từ chức là điều hợp lý, bởi chủ trương của Đảng và Nhà nước là công tác cán bộ là phải luôn có sự “thay máu”, đổi mới để công việc chỉ đạo điều hành được thông suốt vì mục tiêu phát triển chứ không phải cứ cán bộ có chức vụ là “ngồi” đến hết nhiệm kỳ. Cán bộ nên coi từ chức không phải là việc nặng nề, bởi suy cho cùng thì ai cũng chẳng thoải mái gì khi công việc do mình đứng đầu hoặc thực hiện lại bị trì trệ, yếu kém và khi từ nhiệm để chuyển công việc mới sẽ phù hợp hơn với năng lực, sở trường của họ. Người dám từ chức là người có bản lĩnh, tự trọng cao và tinh thần trách nhiệm.
Vấn đề từ chức đã được cụ thể trong Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức với cán bộ, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Quy định này đưa ra bốn căn cứ, gồm: do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; vì lý do chính đáng khác của cá nhân. Đây là cơ sở rất quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khắc phục những bất cập, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các quy định về công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đặt ra trong tình hình mới.
Có thể nói, những người tự nguyện từ chức xuất phát từ lương tâm, danh dự, trách nhiệm và lòng tự trọng sẽ được trân trọng. Đối với xã hội, việc bố trí cán bộ đảm nhận công việc mới phù hợp với năng lực, sở trường sẽ phụng sự tốt hơn cho sự phát triển của đất nước, địa phương.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc