Multimedia Đọc Báo in

Chỉ số PCI năm 2022 của Đắk Lắk hạ 26 bậc so với năm 2021

15:44, 11/04/2023

Sáng 11/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022.

Chỉ số PCI do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh.

Triển khai xây dựng và công bố từ năm 2005, chỉ số PCI là một bộ chỉ số hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần, bao gồm: Chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động của chính quyền địa phương; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp ý và an ninh trật tự.

Kết quả Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022 của Đắk Lắk.
Kết quả Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022 của Đắk Lắk. Nguồn: pcivietnam.vn

Báo cáo PCI năm 2022 được xây dựng trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và 1.282 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Theo Ban tổ chức lễ công bố, kể từ khi bắt đầu tiến hành vào năm 2005 tới nay, đã có 176.496 lượt doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI, phản ánh các khía cạnh đa dạng của môi trường kinh doanh Việt Nam.

Báo cáo PCI năm nay cho thấy, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao trong bảng xếp hạng.

Biểu đồ xếp hạng PCI của tỉnh Đắk Lắk qua các năm.
Biểu đồ xếp hạng PCI của tỉnh Đắk Lắk qua các năm. Nguồn: pcivietnam.vn

Đối với tỉnh Đắk Lắk, với điểm số 60,91 (theo thang điểm 100) đã xếp vị thứ 60/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây cũng là năm Đắk Lắk xếp vị trí thấp nhất từ trước đến nay và tụt 26 bậc so với năm 2021.

Cụ thể, các chỉ số thành phần (tính theo thang điểm 10): Gia nhập thị trường đạt 6,63 điểm; Tiếp cận đất đai: 6,93 điểm; Tính minh bạch: 5,35 điểm; Chi phí thời gian: 6,41 điểm; Chi phí không chính thức: 6,98 điểm; Cạnh tranh bình đẳng: 5,23 điểm; Tính năng động của chính quyền tỉnh: 6,22 điểm; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp: 5,71 điểm; Đào tạo lao động: 3,73 điểm; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự: 7,45 điểm.

Trong báo cáo PCI năm 2022 được công bố, lần đầu tiên VCCI và USAID cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).

Kết quả Chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI (Results of PGI) năm 2022 của Đắk Lắk.
Kết quả Chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI (Results of PGI) năm 2022 của Đắk Lắk. Nguồn: pcivietnam.vn

Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.

Kết quả năm đầu tiên cho thấy, 3 tỉnh đứng đầu chỉ số PGI là: Trà Vinh, Lạng Sơn, và Bắc Ninh.

Về chỉ số này, Đắk Lắk đạt 14,23 điểm (theo thang điểm 40), xếp vị trí 44/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.