Multimedia Đọc Báo in

Đắk Lắk dẫn đầu các tỉnh Tây Nguyên về Chỉ số PAPI năm 2022

14:04, 12/04/2023

Sáng 12/4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2022 ở Việt Nam.

Chỉ số PAPI là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Chỉ số PAPI bao gồm: 8 chỉ số lĩnh vực nội dung, 29 chỉ số nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu thành phần về hiệu quả quản trị và hành chính công của 63 tỉnh, thành phố.

Mục tiêu của chỉ số PAPI nhằm góp phần cải thiện chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các tổ chức công, bảo đảm quyền căn bản của con người, nhất là quyền được bày tỏ chính kiến, tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ công căn bản có chất lượng.

Biểu đồ chỉ số thành phần của tỉnh Đắk Lắk năm 2022. Nguồn: papi.org.vn
Biểu đồ chỉ số thành phần Chỉ số PAPI của tỉnh Đắk Lắk năm 2022. Nguồn: papi.org.vn

Với số lượng phỏng vấn cao nhất từ trước tới nay, đạt 16.117 người trả lời được lựa chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, Báo cáo PAPI 2022 cung cấp dữ liệu và thông tin vô giá về hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp trong hai năm đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 và đóng góp cho việc xây dựng chính sách, pháp luật quan trọng trong năm 2023. 

Kết quả, địa phương dẫn đầu chỉ số PAPI năm 2022 là tỉnh Quảng Ninh với 47,87 điểm, tiếp theo sau là tỉnh Bình Dương đạt 47,45 điểm. Tỉnh có chỉ số PAPI thấp nhất là Cao Bằng đạt 38,80 điểm. Riêng hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang dữ liệu bị nhiễu do yếu tố chủ quan nên không được đưa vào báo cáo.

Tỉnh Đắk Lắk, chỉ số PAPI năm 2022 đạt 41,13 điểm, xếp vị thứ 41/61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (giữ nguyên bậc so với năm 2021) và dẫn đầu các tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng: 40,71 điểm; Đắk Nông: 40,53 điểm; Kon Tum: 39,97 điểm; Gia Lai: 39,67 điểm).

Cụ thể, các chỉ số thành phần: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở: 5,14 điểm; Công khai, minh bạch: 4,84 điểm; Trách nhiệm giải trình với người dân: 4,15 điểm; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công: 6,39 điểm; Thủ tục hành chính công: 7,25 điểm; Cung ứng dịch vụ công: 7,49 điểm; Quản trị môi trường: 2,98 điểm; Quản trị điện tử: 2,89 điểm.

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.