Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường quản lý Nhà nước trong công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh

09:16, 27/04/2023

Trong những năm gần đây, công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, hoạt động đối ngoại của tỉnh dần đi vào chiều sâu, đúng định hướng với mục tiêu tranh thủ các nguồn lực bên ngoài nhằm góp phần thiết thực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh; đồng thời,góp phần thực hiện thắng lợi chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh và tình hình mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định, như: Hoạt động xin phép đoàn ra và đoàn vào chưa đảm bảo thời gian quy định, cá biệt còn có đơn vị gửi văn bản xin phép cho đoàn ra đối với cán bộ đang trong thời hạn thi hành kỷ luật. 

Công tác Người Việt Nam ở nước ngoài chưa được các ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo đúng mức. Các cơ quan, địa phương chưa chủ động trong tiếp cận các nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) để vận động nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiệu quả và tính bền vững của các chương trình, dự án vẫn còn một số hạn chế. 

Một số cơ quan, đơn vị chưa nắm được tình hình hoạt động của các tổ chức PCPNN tại địa bàn, trong lĩnh vực quản lý cũng như các quy định liên quan. Sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương với chính quyền địa phương và giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp trong việc triển khai công tác ngoại giao kinh tế có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả mang lại chưa cao. 

Đoàn nghệ nhân Hàn Quốc biểu diễn tại Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. (Ảnh minh họa)
Đoàn nghệ nhân Hàn Quốc biểu diễn tại Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. (Ảnh minh họa)

Việc duy trì và phát huy các kết quả xúc tiến ban đầu sau các hoạt động quảng bá, kết nối với nước ngoài còn thiếu sự liên tục, thậm chí gián đoạn. Công tác tiếp cận các thị trường mới, phù hợp với tiểm năng thế mạnh của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. 

Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đến việc bố trí công chức, viên chức kiêm nhiệm thực hiện công tác đối ngoại và chưa chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện công tác quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương... 

Thực trạng này phần nào đã làm giảm hiệu quả của hoạt động kết nối và triển khai hợp tác với các đối tác trong thời gian qua.

Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trên, đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước trong công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh, ngày 26/4, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về tăng cường quản lý Nhà nước trong công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị nêu rõ 7 nhóm giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới. 

Đó là: Tiếp tục đấy mạnh việc quán triệt, phổ biến và tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại; tập trung sửa đổi, bồ sung, thay thế để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định của tỉnh về công tác đối ngoại; kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác đối ngoại và nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đối ngoại tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. 

Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đối ngoại hằng năm; đảm bảo kinh phí cho công tác đối ngoại theo quy định và những nhiệm vụ đối ngoại phát sinh từ thực tiễn của địa phương; một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của công tác đối ngoại trong thời gian đến người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về công tác đối ngoại.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị. Giao Sở Ngoại vụ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị; định kỳ hằng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai, thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị kịp thời gửi về Sở Ngoại vụ để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.