Multimedia Đọc Báo in

Đoàn công tác Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam làm việc với Thường trực Tỉnh ủy

15:17, 13/06/2023

Sáng 13/6, Đoàn công tác Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy về tình hình triển khai, thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh; đại diện các sở, ban ngành liên quan của tỉnh.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 5.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học bao gồm các đối tượng là người hoạt động kháng chiến, con đẻ của họ và người dân là nạn nhân tại các địa phương trong thời kỳ kháng chiến. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khắc phục, giải quyết hậu quả chất độc hóa học, nhất là giải quyết chế độ, chính sách cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

h
Quang cảnh buổi làm việc.

Hiện toàn tỉnh có 1.447 trường hợp bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin đang hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Bên cạnh đó tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan Nhà nước liên quan rà soát, thẩm định và triển khai các dự án xử lý ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh đối với các khu vực bị ảnh hưởng. Vận động các nguồn lực trong chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam và gia đình các nạn nhân như: tổ chức thăm hỏi, tặng quà; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ nhà ở….

h
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị với Đoàn công tác về chế độ chính sách đối với thế hệ thứ 3 bị dị dạng, dị tật bẩm sinh của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; giám định nâng hạng đối với một số trường hợp trước đây đã được giải quyết chế độ theo quy định nhưng hiện nay mắc thêm một số bệnh thuộc danh mục quy định hoặc bệnh cũ tái phát nặng hơn...

h
Ông Ngô Song Hào, Chủ tịch Hội nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh nêu ý kiến tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đánh giá cao việc triển khai Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng của tỉnh Đắk Lắk thời gian qua. Đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch hành động khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đề nghị Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng các hoạt động về cơ sở; tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam.

Tiếp thu những ý kiến đóng góp của Đoàn công tác, phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn cho biết, tỉnh Đắk Lắk xác định việc quan tâm chăm lo nạn nhân chất độc da cam/dioxin là trách nhiệm của tất cả các cấp ủy, chính quyền, của cả hệ thống chính trị của tỉnh. Đồng thời mong muốn Đoàn công tác sớm có ý kiến tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để địa phương thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các văn bản khác nhằm hỗ trợ, chăm sóc kịp thời người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc