Multimedia Đọc Báo in

Nan giải bài toán thu hút đầu tư cho du lịch (kỳ 2)

07:52, 23/06/2023

Hiện nay, Đắk Lắk chỉ có chính sách “mềm” (không sử dụng nguồn lực nội tại) cho cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào ngành du lịch khiến ngành kinh tế quan trọng này chưa có bước thúc đẩy mạnh mẽ để bứt phá…

Kỳ 2: Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết, thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến khảo sát, lập dự án đầu tư phát triển du lịch Đắk Lắk với tổng mức vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Song, đến nay nhiều dự án đã được cấp thẩm quyền cho phép mà qua nhiều năm vẫn không thực hiện được, hoặc chỉ nằm trên giấy buộc chính quyền địa phương phải thu hồi chủ trương đầu tư.

“Nút thắt” đối với nhà đầu tư

Số doanh nghiệp phải dừng đầu tư dự án đã cam kết phải kể đến là: Khu du lịch đèo Hà Lan (của Công ty du lịch Suối Cát - Bình Thuận); Khu du lịch cụm thác Dray Sáp - Dray Nu (Công ty TNHH Khánh Gia); Khu du lịch hồ Ea Kao, đồi Cư H’lâm - huyện Cư M’gar (Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên) sau khi được khởi xướng từ những năm 2012 – 2015. Gần đây là một số dự án đầu tư phát triển du lịch tại các danh thắng như: Thác Thủy Tiên - huyện Krông Năng (của Công ty TNHH Tâm Lộc), Khu du lịch nông trang Ea Sô - huyện Ea Kar (do Công ty TNHH Thương mại, du lịch Trọng Điểm liên kết với Công ty Thương mại, du lịch Đam San khảo sát, lập dự án) vẫn không được hiện thực hóa. Ngoài ra có nhiều dự án được coi là trọng điểm như mở rộng Trung tâm Du lịch Buôn Trí A (xã Krông Na - huyện Buôn Đôn), Khu du lịch cụm thác Gia Long - Dray Nur (huyện Krông Ana), Khu du lịch đồi Cư H’lâm (huyện Cư M’gar), Khu di tích lịch sử hang đá Đắk Tuôr (huyện Krông Bông) vẫn chưa thấy tín hiệu lạc quan nào.

Hạ tầng kỹ thuật đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng được hoàn thiện, góp phần phát triển du lịch.

Tìm hiểu thêm vấn đề này, được biết các nhà đầu tư phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc quy hoạch đất đai, giải phóng mặt bằng từ các cấp có thẩm quyền. Đặc biệt hơn là do vùng dự án được giao để làm du lịch, nhất là loại hình du lịch văn hóa, sinh thái đang bị xâm hại nghiêm trọng vì nhiều nguyên nhân - hoặc là quy hoạch chồng chéo, thiếu đồng bộ; hoặc là môi trường, cảnh quan bị suy giảm cùng những hệ lụy để lại từ chủ trương xây dựng và phát triển thủy điện.

 

Giai đoạn 2018 – 2022, Đắk Lắk chỉ thu hút được 6 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn hơn 60 tỷ đồng. Trong đó có một dự án không thực hiện và UBND tỉnh đã chấm dứt chủ trương đầu tư. Hầu hết số dự án này có quy mô nhỏ do doanh nghiệp (chủ yếu là trong tỉnh) có tiềm lực tài chính hạn chế (báo cáo của Sở VH-TT&DL).

Rõ ràng vấn đề quy hoạch và phát triển trong lĩnh vực du lịch ở đây còn nhiều bất cập; nếu các cơ quan, ban, ngành liên quan không ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp phù hợp và kịp thời thì sẽ khó kêu gọi các nhà đầu tư tìm đến. Và đương nhiên, một khi các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính “quay lưng” lại với du lịch ở đây thì có nghĩa ngành kinh tế quan trọng này sẽ ít có cơ hội, điều kiện tham gia đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội nói chung của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Nỗ lực hoàn thiện

Được biết từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức ít nhất hai hội nghị tìm giải pháp phát triển du lịch Đắk Lắk với sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan cùng hầu hết các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn. Tại đây, việc kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực này được bàn thảo đến như vấn đề thiết thực và cấp bách, giúp các cơ quan chức năng xây dựng, thực hiện Đề án Phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được tổ chức vào cuối năm 2022, báo cáo UBND tỉnh cho biết: Hiện tại, ngân sách của tỉnh hết sức khó khăn, nợ công còn lớn nên không cân đối được nguồn lực để ban hành chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực du lịch, mà chỉ ban hành chính sách “mềm” (không sử dụng nguồn lực nội tại) tại Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 7/10/2016 quy định về trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư dự án có sử dụng đất trên địa bàn Đắk Lắk, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư khi triển khai dự án. Theo quy định, các dự án đầu tư vào tỉnh, tùy thuộc vào địa bàn và ngành nghề, lĩnh vực đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi về tiền thuê đất (miễn tiền thuê đất từ 7 năm đến miễn toàn bộ thời gian thực hiện dự án); tiền thuế thu nhập doanh nghiệp (tối thiểu là miễn 2 năm, giảm 50% cho 4 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế).

Một homestay ở khu du lịch buôn Jun - huyện Lắk. Ảnh: Nguyễn Gia

Vậy các ưu đãi này có thật sự hấp dẫn nhà đầu tư, trong đó có du lịch? Nhiều người cho rằng, chính sách “mềm” nói trên ít nhiều cũng tác động tích cực đến lộ trình dần hoàn thiện cơ chế, chính sách kêu gọi và thu hút đầu tư nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng. Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Đắk Lắk thì lộ trình, phương thức thu hút nguồn lực đầu tư vào "ngành công nghiệp không khói" ở đây chưa thật sự hiệu quả do những vướng mắc trong công tác quy hoạch, cũng như sự thiếu thống nhất và đồng bộ giữa các cấp, ngành trong việc triển khai đề án, khiến nhà đầu tư chần chừ và e ngại. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần phải sớm có cơ chế, chính sách ưu tiên cho đầu tư, phát triển du lịch; có phương án cụ thể về việc huy động vốn, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế cùng hệ, nhất là doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh; tăng cường chức năng giám sát, kiểm tra và điều hành đồng bộ gữa các cấp chính quyền trong hoạt động du lịch. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh H’Yim Kđoh, song song với việc thu hút, xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực này, chính quyền địa phương và các sở, ngành, đơn vị liên quan phải linh động, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án du lịch đã đăng ký và được cấp thẩm quyền cấp phép. Có như vậy ngành du lịch Đắk Lắk mới không “lép vế” so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, khi địa bàn chiến lược và giàu tiềm năng này được Bộ VH-TT&DL chọn quy hoạch, xây dựng trở thành một trong 20 điểm đến hấp dẫn của cả nước theo Chương trình phát triển du lịch quốc gia đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.