Multimedia Đọc Báo in

Chốt quản lý, bảo vệ rừng bị cháy rụi giữa rừng sâu

20:25, 17/07/2023

Ngày 17/7, ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, một chốt bảo vệ rừng của công ty vừa cháy rụi nghi do bị lâm tặc đốt.

Đây là chốt chặn kiểm soát, bảo vệ khu vực phân bố loài gỗ quý nên công ty đề nghị các lực lượng chức năng sớm vào cuộc làm rõ vụ việc.

Vào ngày 13/7, tổ tuần tra của công ty sau khi đi tuần tra bảo vệ rừng tại khoảnh 1 tiểu khu 1219 trở về chốt 1219 để nghỉ ngơi thì phát hiện chốt bị cháy rụi hoàn toàn.

Theo nhận định của tổ tuần tra, trong thời gian qua lực lượng chuyên trách của công ty (Phân trường 2, Phân trường 3, Đội cơ động) đã ráo riết trong việc vây bắt đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái pháp luật, ngăn chặn nhiều tuyến đường huyết mạch phục vụ việc vận chuyển gỗ, bắt được một số đối tượng bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý. Đồng thời phá bỏ nhiều lán trại của lâm tặc dựng trái phép tại tiểu khu 1219, nên khả năng các đối tượng lâm tặc theo dõi tổ tuần tra của chốt 1219, khi tổ tuần tra rời chốt để đi tuần tra rừng, nên đã phóng hỏa.

Chốt quản lý, bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông bị thiêu rụi.

Trước đó, vào ngày 9/7 một tổ tuần tra của công ty sau khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra tại tiểu khu 1219 trở về cũng phát hiện một xe máy của nhân viên quản lý bảo vệ rừng trong tổ tuần tra bị đập phá, cắt 2 lốp xe.

Theo ông Bùi Quốc Tuấn, điểm đặt chốt 1219 có địa hình hiểm trở, ở độ cao trên 1.500 m, đây là chốt chặn quan trọng để quản lý, bảo vệ quần thể gỗ pơ mu quý hiếm trong lâm phần của công ty. Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực này, trước mắt đơn vị đã chỉ đạo Đội cơ động tăng cường nhân lực cho Phân trường 2 đến hiện trường chốt 1219 để dựng lán tạm vừa bảo vệ hiện trường vừa làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng theo kế hoạch. Đề nghị các lực lượng chức năng điều tra làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật.

Vạn Tiếp

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.