Multimedia Đọc Báo in

Thay đổi tư duy tiếp cận, thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính

14:44, 16/10/2023

Sáng 16/10, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ hai theo hình thức trực tuyến để đánh giá tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng tổ công tác Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp.

Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Theo báo cáo tại phiên hợp, thời gian qua, việc thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trong cả nước quan tâm nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đã được triển khai ở 9.200/11.956 bộ phận một cửa, chiếm 76,9%; việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 81,39% và cấp địa phương đạt 70,24%.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.

Ban Cơ yếu Chính phủ đã đảm bảo cung cấp trên 715.000 chứng thư số cho các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Có 15 bộ, ngành, 63 địa phương hoàn thành kết nối hệ thống trực tuyến giải quyết TTHC với các dữ liệu quốc gia về dân cư. Tổng cộng đã có 12 tỷ trường hợp tra cứu, trên 500 trường hợp đồng bộ thông tin công dân; 91,2 triệu thông tin nhân khẩu làm sạch giữa cơ sở  dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội và dân cư; 64,3 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, kích hoạt 42 triệu tài khoản...

Bên cạnh kết quả tích cực, các đại biểu cũng chỉ rõ những hạn chế như: Quy định TTHC trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; chưa phát huy được vai trò của cải cách, tiềm năng của dữ liệu trong việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng suất lao động. Chất lượng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, chưa lấy người dùng làm trung tâm. Công tác phát hiện, xử lý các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện còn chậm. Hạ tầng công nghệ thông tin còn yếu, thiếu đồng bộ…

Một số hình ảnh tại các điểm cầu. (Ảnh chụp màn hình)
Một số hình ảnh tại các điểm cầu. (Ảnh chụp màn hình)

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao công tác triển khai thực hiện công tác cải cách TTHC của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thời gian qua. Đồng thời, đề nghị từng cấp, từng ngành phải xem đây là việc quan trọng, tập trung triển khai các giải pháp đổi mới thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trước hết phải thay đổi thói quen của bản thân; thay đổi tư duy tiếp cận; có biện pháp linh hoạt, cách ứng xử phù hợp trước sự việc khó.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh nơi nào người đứng đầu quan tâm thì nơi đó làm tốt và ngược lại; do vậy người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm. Bên cạnh đó, các bộ, địa phương rà soát quy trình cũ, xây dựng quy trình mới thực sự minh bạch, tránh phát sinh những thủ tục rườm rà, không cần thiết.

Quá trình triển khai nhiệm vụ cần linh hoạt, rà soát, xác định việc nào ưu tiên trước để tập trung; tăng cường công tác phối hợp, xây dựng quy chế thực hiện cụ thể nhằm xác định rõ việc, rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Các hệ thống đang triển khai cần được bảo đảm kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; khẩn trương rà soát, cắt giảm các dịch vụ công không phát sinh hồ sơ trong 3 năm trở lại đây.

Các địa phương, bộ, ngành quan tâm bố trí con người đủ năng lực, phẩm chất thực hiện nhiệm vụ; tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện nhiệm vụ; thực hiện hiệu quả Đề án 06; thường xuyên lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp để kịp thời hoàn chỉnh các nội dung công việc…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.