Dự thảo đề xuất xây dựng nghị định của Chính phủ quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà: Cơ chế có “đi ngược” mục tiêu?
Sử dụng năng lượng tái tạo đang là xu hướng tất yếu để thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và đáp ứng yêu cầu những cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Để đáp ứng các mục tiêu đó cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ đi kèm.
Mới đây, Bộ Công Thương đã gửi lấy ý kiến Dự thảo Hồ sơ đề xuất xây dựng nghị định của Chính phủ quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.
Theo dự thảo này, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án. Một là, điện mặt trời mái nhà có liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào lưới điện quốc gia. Trường hợp này, sản lượng điện thừa phát vào hệ thống điện thì Nhà nước ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng (không được thanh toán, đổi lại Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân được bám lưới điện, được liên kết với lưới điện quốc gia để điện mặt trời mái nhà vận hành, hoạt động ổn định).
Hai là, điện mặt trời mái nhà không liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Trong trường hợp này, tổ chức, cá nhân khi thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà chỉ được sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, phải bảo đảm cả nguồn phát điện và phụ tải không liên kết với lưới điện quốc gia. Chung quy lại, nội dung cốt lõi của dự thảo này là điện mặt trời mái nhà có liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào lưới điện quốc gia. Nếu phát lên lưới thì cũng chỉ được ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng.
Một dự án điện mặt trời áp mái tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Mục đích, quan điểm được Bộ Công Thương đưa ra khi xây dựng dự thảo trên là nhằm bảo đảm cho việc thực hiện Quy hoạch điện VIII; bảo đảm an toàn, an ninh, ổn định hệ thống điện; bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ. Bên cạnh đó, dự thảo cũng hướng đến mục tiêu về kiến trúc đô thị, trật tự xây dựng và an toàn xây dựng…
Đương nhiên, những đề xuất này của Bộ Công Thương cần phải được tiếp tục nghiên cứu và xin ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật. Thế nhưng vấn đề được dư luận quan tâm nhất là nếu Dự thảo được thông qua, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến “động lực” đầu tư vào nguồn năng lượng này. Bởi mặc dù Nhà nước vẫn khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, nhưng hầu hết nhà đầu tư điện năng lượng mặt trời mái nhà bên cạnh yếu tố “tự sản, tự tiêu” đều mong muốn sớm thu hồi vốn thông qua việc bán điện cho hệ thống lưới điện quốc gia. Nếu sản lượng làm ra chỉ phục vụ cho gia đình, đơn vị, doanh nghiệp mình và nếu thừa sẽ phải bán với giá 0 đồng thì nhà đầu tư phải suy nghĩ lại.
Trong bối cảnh nguồn cung điện chưa phải là quá dồi dào (trong năm 2023 có nhiều thời điểm phải cắt điện luân phiên do thiếu hụt và phải bổ sung nguồn điện từ các nhà máy phát điện dùng nhiên liệu hóa thạch) và xu hướng chuyển đổi xanh như hiện nay thì việc kêu gọi đầu tư vào năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời mái nhà là hết sức quan trọng. Thế nhưng với những “rắc rối” về giá điện mà các nhà đầu tư điện gió đang gặp phải trong thời gian vừa qua và đến nay vẫn chưa có “lời giải” thì Dự thảo đề xuất xây dựng nghị định của Chính phủ quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà Bộ Công Thương đưa ra như thể “cú bồi” vào động lực đầu tư năng lượng tái tạo.
Thiết nghĩ, để hỗ trợ tốt cho mục tiêu phát triển xanh, bền vững, Dự thảo này cần được nghiên cứu kỹ trước khi triển khai. Làm sao để có được sự hài hòa lợi ích cho cả Nhà nước, nhà đầu tư, tạo khuyến khích đầu tư vào điện mặt trời và tránh lãng phí tiềm năng năng lượng mà chúng ta đang sở hữu.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc