Multimedia Đọc Báo in

Tăng tốc, bứt phá trong thực hiện cải cách hành chính năm 2024

21:40, 02/02/2024

Chiều 2/2, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ bảy nhằm đánh giá kết quả công tác CCHC năm 2023 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.

Tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh Đắk Lắk.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh Đắk Lắk.

Năm 2023, với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt, tạo động lực, chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện công tác CCHC của cả hệ thống hành chính và đạt được nhiều kết quả quan trọng, trên tất cả các nội dung, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, TTHC đang cản trở sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện để chỉ đạo, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm; tập trung vào cải cách TTHC, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương... 

Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện 57 nhóm nhiệm vụ CCHC trọng tâm trong kế hoạch hoạt động năm 2023; về cơ bản các nhiệm vụ đã hoàn thành, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục có những chuyển biến tích cực; nhiều "điểm nghẽn" về cơ chế, chính sách đã được tháo gỡ, thông thoáng, kịp thời hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Đại biểu tham dự tại các điểm cầu địa phương trên địa bàn tỉnh. Ảnh chụp màn hình
Đại biểu tham dự tại các điểm cầu địa phương trên địa bàn tỉnh. Ảnh chụp màn hình

Đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành đạt 28,59% và tại các địa phương đạt 39,48%; tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng hoặc sớm hạn tại bộ, ngành đạt 50,60%, tại địa phương đạt 90,75%.

Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục có chuyển biến rõ nét. Việc hoàn thiện thể chế về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức viên chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. 

Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được Chính phủ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có nhiều kết quả. 100% bộ, ngành, địa phương đã rà soát và ban hành danh mục TTHC đủ điều kiện trong phạm vi bộ, ngành, địa phương để triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); trong đó đã triển khai 81% TTHC là DVCTT, với 48,5% TTHC được triển khai là DVCTT toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của bộ, ngành đạt 30,4%; địa phương đạt 37,4%. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG (chỉ tiêu năm 2023: 30%): tại các bộ, ngành đạt 45,22% và các địa phương đạt 26,86%.

Các điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ảnh chụp màn hình
Các điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ảnh chụp màn hình

Bên cạnh đó, công tác CCHC vẫn còn một số hạn chế, tồn tại: Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ; một số bộ, ngành chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo quy định, dẫn đến khó khăn cho tổ chức thực hiện tại địa phương. Cải cách TTHC đã có cải thiện so với năm 2022, nhưng vẫn còn hạn chế, vướng mắc, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. 

Tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ và nhiệm vụ ở một số bộ, ngành và địa phương. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương với các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia còn chưa thông suốt; kết nối, khai thác CSDL quốc gia về dân cư, các CSDL chuyên ngành trong giải quyết TTHC còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập; việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn hạn chế…

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống trong công tác CCHC. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh chụp màn hình

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Những mặt đạt được là bước đầu, không nên chủ quan và trong thời gian tới với yêu cầu cao, nhiệm vụ nhiều, mong muốn của người dân ngày càng cao hơn, điều này đòi hỏi càng phải nỗ lực, tăng tốc và bứt phá hơn nữa; cần quán triệt quan điểm: Đẩy mạnh CCHC lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể; đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển.

Bên cạnh đó đẩy mạnh CCHC cả 6 lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, cải cách thể chế cần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho sản xuất, kinh doanh; tập trung đơn giản hóa TTHC, phân cấp, phân quyền mạnh hơn, giảm chi phí đầu vào cho người dân, doanh nghiệp; tập trung xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao năng lực thực thi, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, xây dựng văn hóa công sở, đạo đức công sở; tăng cường các biện pháp tăng thu, giảm chi thường xuyên, cơ cấu lại chi cho đầu tư phát triển, chống tiêu cực, tham nhũng trong việc sử dụng tài chính công; xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, tập trung triển khai Đề án 06…

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.