Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính

14:57, 15/07/2024

Ngày 15/7, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ họp Phiên thứ Tám đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm, bàn phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Trưởng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ đồng chủ trì hội nghị.

Thủ tướng chủ trì Phiên họp thứ tám Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: baochinhphu.vn

Tham dự phiên họp trực tuyến tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh, các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến điểm cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

6 tháng đầu năm với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bật cập về CCHC đã được tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng. Cụ thể: xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, xếp thứ 106 trong Bộ chỉ số tự do kinh tế thế giới, tăng 4 bậc so với năm 2022; xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Về rà soát cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, các bộ, ngành đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh tại 16 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), nâng tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.943 quy định kinh doanh tại 250 VBQPPL, đạt 18,6%.

Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Đắk Lắk. Ảnh: Đỗ Lan
 Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu Đắk Lắk. 

6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tinh giản 3.853 biên chế; trong đó, bộ, ngành tinh giản 107 công chức, viên chức; địa phương tinh giản 3.746 công chức,viên chức. Đến nay, 53 tỉnh, thành phố có thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đã hoàn thiện Phương án tổng thể; trong đó cấp huyện thực hiện sắp xếp là 49 đơn vị. Tính đến ngày 30/6/2024, Bộ Nội vụ nhận được 28/53 hồ sơ đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 196.669,4 tỷ đồng, đạt 27,51% kế hoạch, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đến ngày 30/6/2024, tỷ lệ thủ tục hành chính (TTHC) được cung cấp dưới dạng DVCTT đạt 81%; tỷ lệ TTHC được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình đạt 48%. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đối với các DVCTT toàn trình của các bộ, ngành đạt 61%; cấp tỉnh, thành phố đạt 17%; trung bình toàn quốc đạt 42%...

Tại phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận kết quả nổi bật trong công tác CCHC thời gian qua. Đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, cần khắc phục như: cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp thực tiễn, chậm sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện CCHC ở địa phương; một số bộ, ngành chậm trễ trong việc ban hành quyết định công bố TTHC dẫn đến khó khăn cho địa phương trong việc công bố, niêm yết, công khai TTHC; một số địa phương chưa kiểm soát chặt chẽ về thời hạn trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp dẫn đến tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn hoặc từ chối giải quyết còn nhiều….

Để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian đến, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC; tăng cường đôn đốc, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về CCHC. Tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thể chế, tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh xây dựng chuyển đổi số, chính phủ số, chính quyền số, công dân số, số hóa hồ sơ, số hóa các cơ sở dữ liệu góp phần nâng cao hiệu quả, chủ động trong phối kết hợp giữa các cơ quan, đơn vị địa phương trong quá trình chia sẻ dữ liệu…

Đỗ Lan

 

 


Ý kiến bạn đọc