Cần theo dõi sát diễn biến của bão số 6 để ứng phó kịp thời
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 – 88 km/giờ), giật cấp 12; di chuyển theo hướng Tây Nam, tốc độ 15 – 20 km/giờ.
Do ảnh hưởng của bão số 6 (Trami), tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cấp 6, giật cấp 7; Nam Đông (Thừa Thiên Huế) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; Cẩm Lệ (Đà Nẵng) gió mạnh cấp 8, giật cấp 9.
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 6 vào lúc 10 giờ ngày 27/6 (Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) |
Trong đêm qua và sáng nay (27/10), khu vực từ Hà Tĩnh - Đà Nẵng đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 100 – 200 mm, cục bộ có nơi trên 350 mm.
Dự báo, trong 12 – 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Nam Tây Nam; đến 10 giờ ngày 28 – 29/10 dịch chuyển theo hướng Đông, ngược trở lại biển, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Từ ngày 27/10 đến hết đêm 28/10, ở khu vực Quảng Bình đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 200 – 400 mm, cục bộ có nơi trên 600 mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100 mm/3 giờ). Khu vực Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và Bắc Tây Nguyên có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 – 200 mm, có nơi trên 250 mm.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Đắk Lắk, do ảnh hưởng của rìa phía Nam áp cao lạnh lục địa tăng cường, kết hợp với rìa phía Tây Nam hoàn lưu bão số 6. Trên cao là hoàn lưu áp cao cận nhiệt đới. Dự báo từ ngày 27 – 28/10, trên địa bàn tỉnh nhiều mây, có mưa; có nơi mưa vừa, mưa to và dông. Lượng mưa các huyện Ea H’leo, Ea Súp, Krông Búk, Krông Năng, Buôn Đôn, TX. Buôn Hồ, Cư M’gar, TP. Buôn Ma Thuột, phổ biến từ 20 – 50 mm, có nơi lớn hơn 80 mm; các huyện còn lại 10 – 30 mm, có nơi lớn hơn 50 mm.
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 vào sáng 27/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu: với diễn biến phức tạp của bão số 6 sau khi đổ bộ vào đất liền sẽ quay ra biển và có khả năng hình thành áp thấp hoặc cơn bão mới, do đó, hệ thống khí tượng thuỷ văn phải dự báo chính xác thời điểm bão đổ bộ, tuyến đê biển xung yếu để tập trung lực lượng, phương tiện để xử lý kịp thời khi có sự cố; tiếp tục cập nhật lượng mưa, đưa ra cảnh báo cụ thể hơn cho người dân về khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà họp trực tuyến với các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum về công tác ứng phó với bão số 6 (Nguồn: chinhphu.vn) |
Bộ Quốc phòng phối hợp, hỗ trợ các địa phương khẩn trương triển khai phương án dùng flycam bay kiểm tra, rà soát, phát hiện các vết nứt lớn, kéo dài tại những vùng có nguy cơ sạt lở do mưa lớn, kéo dài.
Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải nắm chắc thông tin lưu lượng nước tại các hồ, bổ sung dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, các đài khí tượng thủy văn địa phương để điều tiết kịp thời, không được để xảy ra tình trạng tất cả các hồ đều phải xả nước để bảo đảm an toàn.
Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp điện lực, viễn thông phối hợp chặt chẽ với địa phương để duy trì giao thông liên lạc, kết nối thông tin, chỉ đạo điều hành thông suốt; các cơ quan truyền thông kịp thời thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tính chất phức tạp của bão số 6…
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc