Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên: Tháo điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển

08:27, 14/02/2025

Nghị quyết số 25/NQ-CP, ngày 5/2/2025 của Chính phủ đã giao tỉnh Đắk Lắk tăng tưởng từ 8% trở lên và thu ngân sách cao hơn 10% so với năm 2024. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 29 (mở rộng), nhiều ý kiến hiến kế, giải pháp căn cơ, đồng bộ, quyết liệt đã được lãnh đạo tỉnh, các tư lệnh ngành nêu lên, bày tỏ quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đạt mục tiêu đề ra.

Cơ sở thực tế để điều chỉnh chỉ tiêu

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên và thu ngân sách cao hơn 10% so với năm 2024, tỉnh đã xây dựng Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Theo đó, cần thiết phải điều chỉnh theo hướng tăng 6 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 45/NQ-HĐND. Cụ thể, tổng sản phẩm xã hội (GRDP - theo giá so sánh năm 2010) phấn đấu đạt trên 68.425 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên (tăng 642 tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng tăng thêm 1%); GRDP bình quân đầu người khoảng 81,7 triệu đồng/người (tăng 0,75 triệu đồng); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn phấn đấu đạt 9.550 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2024 (tăng 550 tỷ đồng so với chỉ tiêu nghị quyết); tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 47.870 tỷ đồng, chiếm 30% tổng GRDP giá hiện hành (tăng 5.570 tỷ đồng); tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.860 triệu USD (tăng 160 triệu USD); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 8% (tăng 10.000 tỷ đồng).

Tập trung phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nguyễn Gia 
 

Các cấp, các ngành, địa phương cần ban hành kế hoạch hành động thật cụ thể, sát thực tế, trong đó cần lưu ý đề ra các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, dư địa phát triển, khơi thông các điểm nghẽn. Tăng cường, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hoàn thiện các quy định, cơ chế phối hợp trong giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính để khơi thông mọi nguồn lực phục vụ phát triển. Đặc biệt, sau khi giao việc phải có kế hoạch theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, từng cấp lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về những nhiệm vụ được giao và kết quả chỉ đạo”.

 
 Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn, qua rà soát, tỉnh có nhiều điều kiện, cơ sở để thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên. Trong đó, bên cạnh đột phá về giải pháp, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện, huy động và sử dụng thật sự hiệu quả các nguồn lực, tăng chi đầu tư phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án, phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân còn có sự đồng hành, hỗ trợ của Trung ương về cơ chế chính sách, nguồn lực trong quá trình triển khai thực hiện. Tỉnh cũng đang tích cực chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chấp thuận chủ trương đầu tư ít nhất 10 dự án thuộc các lĩnh vực với tổng số vốn khoảng 1.000 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn đầu tư công thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh đã tính toán đối với phương án tăng trưởng 7%, sau khi rà soát, dự kiến có 13.285 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công 3 cấp trong năm 2025, tăng gần 4.000 tỷ đồng so với phương án tăng trưởng 7%. Đồng thời, tỉnh tập trung huy động nguồn lực đầu tư từ trong dân, dự kiến tăng 16.000 tỷ đồng so với năm 2024.

Khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 29 (mở rộng), các đại biểu đã tập trung phân tích những khó khăn, vướng mắc, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, phát huy các tiềm năng, lợi thế, các dư địa để phát triển nhanh, bền vững, đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.

Các ý kiến đều thống nhất “nút thắt” đầu tiên cần tháo gỡ chính là công tác điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khẩn trương triển khai quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; giải quyết vướng mắc liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc của các nông lâm trường; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ban hành bảng giá đất của cấp huyện.

Phát triển sản xuất công nghiệp, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Ảnh: Nguyễn Gia

Về điểm nghẽn, các đại biểu cho rằng, một số cán bộ cấp phòng, ban chuyên môn của các sở, ban, ngành thiếu tinh thần trách nhiệm, còn đùn đẩy, né tránh cũng đã gây ách tắc một số nhiệm vụ, công việc. Do vậy, cần phân công trách nhiệm cụ thể cho từng người từ chuyên viên đến lãnh đạo, có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá mức độ triển khai thực hiện, đánh giá đúng để sử dụng đúng cán bộ. Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bố trí cán bộ phù hợp năng lực, sở trường.

Thực tế cho thấy, tiềm năng, lợi thế, dư địa phát triển của tỉnh còn nhiều nhưng chưa được phát huy, một trong những nguyên nhân đó là tình trạng lãng phí. Điều này đã được Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Chiến Thắng chỉ rõ: “Ngân sách nhà nước là công cụ để nhà nước tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khi mất đi một đồng, chậm giải ngân một đồng tức là đã giảm đi rất nhiều đồng trong quá trình vận hành nền kinh tế. Đây chính là lãng phí. Hơn nữa, việc quy hoạch treo, quy hoạch sai, chưa khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công cũng gây lãng phí nguồn lực, cản trở sự phát triển”.

Cùng với việc chỉ rõ những điểm nghẽn, rào cản, các đại biểu cũng đưa ra giải pháp nhằm cam kết triển khai thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Đối với chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng 10% so với năm 2024, bên cạnh việc tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác thu, chống thất thu nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, khai thác khoáng sản, dịch vụ, ăn uống, xuất khẩu nông sản, thuế khoán…, rà soát các lĩnh vực còn dư địa thu, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu thuế, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Phạm Thanh Long cho biết, năm 2025, để tăng thu ngân sách 550 tỷ đồng theo đề án bổ sung, ngành thuế được giao tăng thu thuế, phí thêm 350 tỷ đồng. Như vậy, tổng số thuế, phí ngành phải thu trong năm 2025 là 6.300 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, ngành thuế đã tham mưu ban hành Chỉ thị số 05, ngày 11/2/2025 chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp với ngành thuế đẩy mạnh quản lý, chống thất thu thuế, đôn đốc thu nợ trong các lĩnh vực; quản lý chặt chẽ nguồn thu phát sinh từ các dự án trên địa bàn, chống thất thu ngân sách; đẩy mạnh thực hiện hóa đơn điện tử tự động trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu, máy xuất hóa đơn tự động tại các cơ sở kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng tư vấn thuế xã, phường… Nhờ vậy, chỉ trong tháng 1/2025, toàn tỉnh đã thu được 1.076 tỷ đồng thuế, phí, bằng 18,5% dự toán Trung ương giao, là tiền đề thuận lợi để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách.

Cụm công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar còn nhiều tiềm năng phát triển sản xuất công nghiệp.

Khẳng định Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2025 đã đề ra các giải pháp đồng bộ, toàn diện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phát triển, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh, để đạt mục tiêu tăng trưởng, cần thu hút, hình thành các sản phẩm, động lực tăng trưởng mới trong khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ và chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng cũ như: phát triển năng lượng tái tạo, đầu tư các lĩnh vực xã hội hóa, phát triển khu, cụm công nghiệp, sản xuất nông nghiệp.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc