Papi Đắk Lắk năm 2024: Những con số biết nói
Sáng 15/4, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2024.
Theo đó, với tổng điểm 43,0102, Đắk Lắk xếp cao nhất trong số 5 tỉnh Tây Nguyên; Đắk Nông (40,5374), Gia Lai (41,2859), Kon Tum (40,3083) và Lâm Đồng (41,0179).
Theo kết quả này, một trong những điểm mạnh nổi bật của Đắk Lắk nằm ở lĩnh vực thủ tục hành chính công. Với điểm số 7,4290, Đắk Lắk được xếp vào nhóm trung bình – cao, cao nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên, vượt trội hơn so với các tỉnh như Gia Lai (6,9032), Kon Tum (7,2452), Đắk Nông (7,0634) và Lâm Đồng (6,9174). Điều này phản ánh nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh đã bắt đầu phát huy hiệu quả, nhất là trong các tiêu chí như niêm yết công khai thủ tục, giảm thiểu các rào cản và cải thiện thái độ phục vụ của cán bộ, công chức.
Ngoài ra, tỉnh cũng đạt kết quả tích cực ở lĩnh vực cung ứng dịch vụ công với điểm số 7,2606. Người dân đánh giá khá cao về chất lượng trường học tiểu học công lập, cơ sở y tế tuyến huyện. Điều này cho thấy chính quyền tỉnh đã chú trọng đầu tư vào hạ tầng và chất lượng dịch vụ công, từ đó góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân.
![]() |
Hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến tại "Điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến" UBND xã Quảng Tiến (huyện Cư M'gar). |
Một điểm sáng khác là điểm số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của tỉnh cao nhất khu vực Tây Nguyên với 7,0098. Trong khi đó, Kon Tum (6,355), Đắk Nông (6,3219), Lâm Đồng (6,1505), Gia Lai (6,6482).
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực so với các tỉnh trong khu vực, song nếu so với mặt bằng chung của cả nước cũng còn những hạn chế như sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, trách nhiệm giải trình với người dân hay quản trị môi trường.
Điểm số sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở của tỉnh là 4,7686. Điều đó cho thấy, sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở chưa thực sự mạnh mẽ. Mức độ tham dự họp dân, đóng góp ý kiến vào kế hoạch phát triển địa phương hay giám sát các dự án công vẫn còn hạn chế. Ngoài ra với điểm số 5,2591 về công khai, minh bạch trong việc ra quyết định cũng cho thấy cần nỗ lực hơn nữa trong hoạt động này.
Về quản trị môi trường, dù có diện tích rừng tự nhiên lớn, song chỉ đạt điểm số 3,4043 thuộc nhóm trung bình - thấp trong cả nước. Người dân vẫn có những lo ngại về tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước sinh hoạt chưa bảo đảm.
Trong lĩnh vực quản trị điện tử, điểm số đạt 3,5493. Tỷ lệ người dân truy cập và sử dụng cổng dịch vụ công cấp tỉnh còn thấp hơn trung bình toàn quốc. Rào cản đến từ hạ tầng số chưa đồng bộ, thiếu phổ cập kỹ năng công nghệ, đặc biệt tại khu vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
PAPI 2024 một lần nữa khẳng định vai trò thiết yếu của tiếng nói người dân trong cải thiện chất lượng quản trị địa phương. Đối với Đắk Lắk, những điểm mạnh về thủ tục hành chính và dịch vụ công cần được duy trì và nhân rộng, đồng thời những hạn chế cần được giải quyết bằng các chính sách đột phá. Kết quả này cũng đặt ra những nội dung cần được quan tâm ưu tiên để tiếp tục cải thiện chỉ số PAPI, như: nâng cao năng lực minh bạch tài chính và quản lý đất đai; tăng cường ứng dụng công nghệ số trong cung cấp dịch vụ công; đa dạng hóa hình thức tham vấn và phản biện cộng đồng; xây dựng các chiến lược quản trị môi trường bền vững hơn.
Khi đặt người dân vào trung tâm của quản trị, chính quyền các cấp mới có thể tạo dựng được một nền hành chính thực sự hiệu quả và kiến tạo.
PAPI là một công cụ định lượng, phản ánh mức độ đáp ứng của chính quyền địa phương đối với nhu cầu, kỳ vọng của người dân. PAPI gồm 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân;Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử. |
Lương Hữu Nam
Ý kiến bạn đọc