Chủ động triển khai phương án ứng phó với bão WIPHA trên biển Đông
Ngày 19/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có Công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Công Thương, Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc ứng phó với bão trên biển Đông.
Công điện nêu rõ: Sáng ngày 19/7, bão WIPHA đã đi vào biển Đông trở thành cơn bão số 3 với cường độ cấp 9, giật cấp 12; dự báo bão tiếp tục mạnh thêm và có khả năng ảnh hưởng, gây mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ trong những ngày tới.
Để chủ động ứng phó với bão và nguy cơ mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị: Đối với tuyến biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.
![]() |
Hướng di chuyển của cơn bão WIPHA trên biển đông (nguồn: https://www.nchmf.gov.vn/) |
Triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, phương tiện, tài sản đặc biệt đối với các điểm du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và các công trình trên biển, trên đảo, khu vực ven biển. Đồng thời, căn cứ tình hình cụ thể, chủ động quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch và di dời dân tại các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản ven bờ, trên biển, trên đảo để đảm bảo an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Đối với trên đất liền khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản ở những khu vực xung yếu; sẵn sàng tổ chức sơ tán người dân ra ở những khu vực nguy hiểm; chủ động tiêu nước đệm, chống úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt; chủ động tổ chức thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, diện tích nuôi trồng thủy sản theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, thủy lợi nhỏ, hồ xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra…
Trước đó, ngày 18/7, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cũng đã có văn bản gửi các địa phương, đơn vị liên quan chủ động triển khai phương án ứng phó với bão gần biển Đông - bão WIPHA.
Theo đó, Sở đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với công trình đang thi công dở dang và các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản trên biển, cửa sông; chủ động triển khai khi có sự cố, tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xảy ra...
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc