Multimedia Đọc Báo in

Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính 

14:15, 31/07/2024

Ngày 31/7, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ họp phiên thứ năm đánh giá kết quả công tác cải cách TTHC, hoạt động của Tổ công tác và Hội đồng tư vấn 6 tháng đầu năm 2024.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì phiên họp.

Tham dự cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Đắk Lắk có đồng chí Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.

Phiên họp trực tuyến tại điểm cầu Đắk Lắk. 
Phiên họp trực tuyến tại điểm cầu Đắk Lắk. 

6 tháng đầu năm, công tác cải cách TTHC đạt nhiều kết quả, đã cắt giảm, đơn giản hóa 168 quyết định kinh doanh tại 16 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); phân cấp 108 TTHC tại 21 VBQPPL; đơn giản hóa 247 TTHC, giấy tờ công dân tại 25 VBQPPL theo các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ; 40 TTHC nội bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa và 1.012 TTHC nội bộ đã được các bộ, ngành, địa phương phê duyệt phương án đơn giản hóa theo thẩm quyền.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến có sự cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến và số hóa kết quả giải quyết TTHC tại các bộ, ngành, địa phương tăng so với cùng kỳ năm 2023; hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó nhiều dịch vụ công được tái cấu trúc, đơn giản hóa quy trình thực hiện.

Bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp tiếp tục phát huy vai trò phục vụ chỉ đạo, điều hành, đánh giá kết quả cải cách TTHC của cơ quan, đơn vị và theo dõi, giám sát của cá nhân, tổ chức.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác phát  biểu tại phiên họp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác phát  biểu tại phiên họp.

Tổ công tác đã giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về cải cách TTHC, góp phần khắc phục điểm yếu trong khâu tổ chức thực thi. 

Hội đồng tư vấn cũng đã phát huy vai trò cầu nối giữa Chính phủ với người dân, doanh nghiệp, huy động sự tham gia rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp và người dân vào quá trình cải cách của Chính phủ, bảo đảm cải cách hướng tới người dân, phục vụ người dân cũng như nâng cao khả năng phản ứng chính sách.

Đến nay, Tổ công tác đã cơ bản hoàn thành 13/17 nhiệm vụ (không có nhiệm vụ quá hạn), Hội đồng tư vấn hoàn thành 10/23 nhiệm vụ (không có nhiệm vụ quá hạn) theo Kế hoạch hoạt động.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận những kết quả nổi bật trong công tác cải cách TTHC; thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, cần khắc phục như: Một số quy định, TTHC còn chồng chéo, phức tạp, qua nhiều khâu trung gian; việc đánh giá tác động chính sách, chi phí tuân thủ cũng như hoạt động tham vấn của một số cơ quan tuân thủ chưa nghiêm.

TTHC nội bộ trong từng bộ, cơ quan, địa phương và giữa các cơ quan hành chính nhà nước còn phức tạp, rườm rà; việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân chưa được quan tâm đúng mức, tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là ở cơ sở vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực. 

Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC chủ yếu theo phương thức truyền thống hồ sơ giấy, theo địa giới hành chính; một số dịch vụ công trực tuyến thực hiện chưa thuận lợi; việc số hóa tái sử dụng dữ liệu số hóa tại một số bộ, ngành, địa phương thấp…

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện cải cách TTHC, đặc biệt đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay mang lại sự tiện lợi cho người dân.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh truyền thông, chia sẻ những thông tin tích cực, cách làm hay về công tác cải cách TTHC; tăng cường tập huấn, huy động sự tham gia của người dân, hiệp hội, doanh nghiệp; đề cao vai trò, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC; tăng cường phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.