Multimedia Đọc Báo in

Nhớ về phố cũ

08:28, 03/06/2024

TP. Buôn Ma Thuột ngày càng sầm uất, hiện đại, có rất nhiều con đường, tuyến phố mới xuất hiện. Trong đó có những con đường mới mở; có những con đường cũ đã được đổi tên.

Nhưng trong ký ức của những người con Ban Mê, vẻ đẹp những góc phố, con đường xưa cũ vẫn còn giữ nguyên, dù rằng thời gian đã làm đổi thay rất nhiều.

Nhà văn Nguyễn Phương Hà (SN 1957) đã gắn bó với mảnh đất Buôn Ma Thuột trong thời gian dài; những kỷ niệm về vùng đất phố núi luôn được ông khắc sâu trong trí nhớ.

Trong tác phẩm tùy bút “Ban Mê ngày ấy... bây giờ” sáng tác năm 2023, nhà văn Nguyễn Phương Hà đã miêu tả khá kỹ về các tuyến đường của Buôn Ma Thuột những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước: “Ban Mê ngày đó còn nhỏ hẹp, từ Ngã Sáu đi về chỉ có mấy con đường đếm được trên mười đầu ngón tay. Đường Ama Trang Long khá lớn chạy vào trung tâm chợ phố, chạm đường Lê Hồng Phong, cắt ngang là đường Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Y Jút, Điện Biên Phủ. Góc đường ngã tư Phan Bội Châu - Điện Biên Phủ là bến xe lam, chủ yếu để chở người đi chợ thị xã. Đường Phan Chu Trinh đi qua Nhà thờ Chính tòa nối với đường đi huyện Cư M’gar. Đường Phan Bội Châu chạy dọc xuống nối với đường đi Buôn Đôn, Ea Súp. Song song với đường Phan Bội Châu là các đường Quang Trung, Hoàng Diệu và những đường cắt ngang. Ngã Sáu ra Cây số Ba là một con đường rải nhựa, bên trái là khu đất rộng, bằng phẳng, cỏ lác, cỏ tranh mọc um tùm (gọi là sân bay L.19); bên phải là những dãy nhà thưa thớt, là đường Nguyễn Chí Thanh (nay là đường Nguyễn Tất Thành)…”.

Ngã Sáu Ban Mê nhìn từ trên cao.

Cho đến bây giờ, dù thời gian đã trôi qua bao lâu, nhưng mỗi một con đường, góc phố Ban Mê thuở ấy vẫn in đậm trong ký ức bao người, nhất là đối với thế hệ cũ, những người chứng kiến sự đổi thay của vùng đất này.

Ông Nguyễn Tử Xuyên (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đã có hơn 60 năm gắn bó với mảnh đất Ban Mê.

Bồi hồi nhớ về những ngày xưa, ông tâm sự: “Tôi theo gia đình lên Buôn Ma Thuột từ năm 5 tuổi và sinh sống cho đến bây giờ, chứng kiến biết bao thay đổi, nhưng tôi vẫn nhớ như in những hình ảnh cũ…”.

Vừa qua, một người bạn làm ở Bảo tàng Đắk Lắk đã chia sẻ cho ông Xuyên những hình ảnh về Buôn Ma Thuột xưa, được những người yêu Buôn Ma Thuột lưu giữ và đăng trên các nền tảng xã hội.

Ông thích thú tải về, ngắm nghía và so sánh. “Mỗi một bức ảnh lại cho tôi một niềm cảm xúc riêng, cảm giác như mọi thứ chỉ như ngày hôm qua”, vừa nói ông Xuyên vừa thông tin chi tiết về các địa điểm mà mình biết trên các bức ảnh. Đó là chợ, là bến xe, là những con đường…

Nhiều đường đã được đổi tên, như góc Quang Trung đoạn giữa Lê Văn Duyệt và Tôn Thất Thuyết nay là Xô Viết Nghệ Tĩnh và Lê Hồng Phong; hay cả những quán ăn rất nổi tiếng đến nay vẫn còn hoạt động như: quán cháo gà A Cón hẻm 110 Y Jút có từ những năm 1957; quán hủ tiếu, cơm gà Phú Lâm xuất hiện từ năm 1959 – 1960 trên đường Quang Trung; quán cà phê Bâng Khuâng đường Phan Bội Châu bán từ năm 1967, gắn với bao thế hệ người dân Đắk Lắk. Đến nay quán vẫn mở, vẫn là nơi lui tới của bao người, nhất là với những người ở thế hệ trước như ông Tử Xuyên, nhà văn Phương Hà…

Ông Xuyên ấn tượng với con đường Phan Đình Giót, dù ngắn, nhưng lại có nhiều điểm đặc biệt. Trước đây đường từng có một thời gian là nơi tập trung chợ buôn bán đồ sắt, cây phong lan… Nay con đường khoác áo mới với những bức bích họa đầy ấn tượng, nằm dưới hàng cây cổ thụ tỏa bóng tuyệt đẹp, thu hút người dân, khách du lịch tới tham quan, chụp ảnh.

Đường Phan Đình Giót (TP. Buôn Ma Thuột) sạch đẹp, rợp mát bóng cây.

Thời gian bốn mùa đi qua nắng mưa; những góc phố, con đường ở Ban Mê dù có đổi thay nhưng trong ký ức của những người đã sinh ra và lớn lên ở mảnh đất đầy nắng và gió này thì vẫn vẹn nguyên cảm xúc. Những kỷ niệm, ký ức này đã trở thành hành trang tâm tưởng mà những cư dân miền đất cao nguyên luôn khắc nhớ, mang theo trên hành trình thế kỷ.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.