Buôn Ma Thuột - những năm tháng không quên
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh, tháng 9/1981 tôi nhận quyết định vào Đắk Lắk công tác.
Ngày ấy, có chính sách sinh viên ra trường lên miền núi công tác sau 5 năm là được chuyển về đồng bằng, tức về quê. Tôi yên tâm lên đường và chờ đợi ngày cuối cùng của 5 năm ấy.
Tôi về Trường Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột vào lúc bắt đầu mùa khô. Trường nằm trên một ngọn đồi (thường gọi là đồi La San, nguyên đây là trường trung học tư thục La San thuộc dòng tu La San của Công giáo) cách trung tâm thị xã 2 km. Đêm nào cũng vậy, khoảng 7 - 8 giờ tối trở đi là lại nghe tiếng cồng chiêng thâu đêm từ các buôn chung quanh. “Bắt đầu vào mùa “ăn năm uống tháng” của người dân tộc bản địa rồi đấy” – anh Nguyễn Hữu Hợp, giáo viên Văn là đồng môn trường Vinh vào trước tôi một năm nói vậy.
Những ngày đầu mới đến còn lạ nước lạ cái, lúc rảnh rỗi tôi chỉ đi lên Ngã Sáu mua sắm lặt vặt, vào cửa hàng ăn uống tổng hợp, đi xem chợ… Chợ thị xã hồi đó còn nằm ở khoảng từ đường Nơ Trang Lơng đến đường Quang Trung, có hẳn một khu dành cho chợ trời (thời bao cấp, nhờ chợ trời mà người làm nhà nước mới tiêu thụ được các món hàng phân phối không dùng đến để mua những đồ hàng cần dùng).
Đường từ trường cao đẳng lên trung tâm thị xã lúc bấy giờ rất nhiều dốc, khi đi phải mấy lần xuống dắt xe đạp lên đỉnh dốc; còn khi về, đi nhiều lần quen không cần phanh cứ xả dốc từ Cổng số 1 chạy một mạch là tới Cầu Trắng (tức Cổng số 2) trước cổng trường. Phía buôn Alê A hồi đó có rất nhiều nhà sàn, trâu bò ở dưới thung lũng; mặt tiền đường nhựa còn trống nhiều, nhà cửa thưa thớt, thỉnh thoảng thấy có mấy cái nền nhà bỏ hoang.
Những đồng nghiệp về trường nhận công tác trước tôi thường nói vui: Buôn Ma Thuột viết tắt BMT tức là “Buồn muôn thủa”, “Bụi mù trời”. Buồn thì đúng rồi, quê nhà xa tít mù buồn lắm, không dám nghĩ đến chuyện về thăm nhà vì xe cộ đi lại hồi đó rất khó khăn. Còn bụi mù trời, đúng là ngày ấy thị xã còn rất nhiều đường đất, đá cấp phối, nhiều đoạn tróc hết lớp nhựa, nhà cửa lại thưa, thấp nên hễ có gió là có bụi bốc mù. Trừ một số đoạn đường gần Ngã Sáu, nhiều đường phố chưa có vỉa hè, hoặc có nhưng hẹp, hai bên lề đường là đất trống, người dân trồng đậu, bắp… um tùm.
Lễ mít tinh kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột. |
Ngoài bụi, còn rất nhiều gió. Gió đánh mái tôn kêu cà kẹt cả ngày, cố nhà thơ Văn Thanh ở Ty Văn hóa từng ví gió dập mái tôn như “nhà có ma”! Con đường từ Ngã Sáu ra Cổng số 3 (tức Cây số 3, Km3) dốc chứ không bằng phẳng như bây giờ; đi xe đạp vừa ngược dốc, vừa ngược gió phải dừng nghỉ mấy lần. Phía trái đường là Sân bay dã chiến (người ta quen gọi là sân bay L19) của ngụy quân trước đây, chạy từ Quảng trường 10/3 đến đường Lê Thị Hồng Gấm hiện nay. Hai bên đường Nguyễn Chí Thanh hiện nay đoạn từ đường Lê Quý Đôn trở lên Đạt Lý là rừng cao su. Lần đầu tiên nhìn thấy loại cây này, tôi nhớ đến câu ca dao “Cao su đi dễ khó về/ Khi đi trai tráng khi về bủng beo” trong sách giáo khoa hồi học phổ thông mà rùng mình.
Sau khoảng một tháng ổn định ăn ở, một số giáo viên chúng tôi được nhà trường giao nhiệm vụ đưa sinh viên đi lao động ở Km12 Quốc lộ 21 (nay là Quốc lộ 26), công việc cụ thể là đào đất. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đi ra ngoại vi thị xã. Đợt đó chúng tôi đi một tuần, chỉ biết là làm trạm bơm cho nhà máy nước. Sau này, khi thị xã đông đúc, nhu cầu nước tăng cao, gặp năm hạn thiếu nước gay gắt, mới nhận ra ý nghĩa công việc của thầy trò chúng tôi hồi ấy – khai thác nguồn nước mạch cho Nhà máy nước của thị xã.
Hơn một năm sau, khoảng đầu mùa mưa 1983, chúng tôi lại có một chuyến dã ngoại – lần này thì đưa học sinh, sinh viên đi làm kênh thủy lợi cho cánh đồng mới khai hoang ở xã Cuôr Knia.
Đây là khu kinh tế mới của thị xã thực hiện chủ trương giãn dân nội thị sau ngày giải phóng. Tôi nhớ mãi con đường đến công trường, bắt đầu từ dốc Châu Sơn hai bên đường là những lùm cây rậm rạp phủ đầy bụi đỏ, xe ô tô lội trong lớp bụi dày 3 - 4 tấc, bụi xộc vào xe, nhiều người nôn ói.
Tiếp theo là chặng đường chừng 10 cây số gồ ghề đá và gốc cây do san ủi chưa hết, vào đến nơi ai cũng mệt lử. Công trường là một thung lũng lớn mới khai hoang, gốc cây còn bề bộn chưa dọn hết, chung quanh vẫn còn rừng mênh mông. Có cả sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên cùng tham gia.
Sau này, tôi mới được biết đây cũng là một trong những đại công trình khai hoang cánh đồng để giải quyết vấn đề lương thực của tỉnh hồi đó. Nhiều năm sau khi dân cư vào đông, xã Cuôr Knia tách một phần thành lập xã Ea Bar (cả hai xã sau thuộc huyện Ea Súp, khi huyện Buôn Đôn thành lập thì lại về Buôn Đôn).
Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột. |
Khoảng tháng 3/1984, sau hai năm rưỡi công tác tại trường cao đẳng, tôi từ giã nghề giáo chuyển đến cơ quan mới phù hợp với sở thích là được đi đây đi đó. Làm công việc mới được một năm thì đến dịp kỷ niệm 10 năm ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột 10/3. Hồi đó lễ mít tinh kỷ niệm tổ chức tại Công viên tỉnh (nay là khu Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi). Tỉnh Đoàn tổ chức cắm trại ba ngày. Có đội quân nhạc từ Hà Nội vào. Lần đầu tiên người dân Buôn Ma Thuột tận mắt nhìn thấy những người lính quân phục và mũ kê-pi cùng màu trắng có những đường viền đỏ và nhiều dây tua vàng rất đẹp; mỗi người một chiếc kèn đồng sáng loáng, đồng loạt tấu lên những bản nhạc hùng tráng lâu nay chỉ được nghe qua radio. Tôi hỏi một anh trong đội về cảm nhận khi đến Buôn Ma Thuột. Anh nói: “Chúng tôi ở Hà Nội, không thể ngờ Buôn Ma Thuột lại sầm uất như thế này!”.
Hồi ấy, điều kiện thông tin còn hạn chế nên nhiều bạn bè tôi đến Buôn Ma Thuột đều ngạc nhiên, thích thú khi nhìn thấy quang cảnh phố thị ở đây, bởi Buôn Ma Thuột vốn từng được biết đến chỉ là nơi heo hút “rừng thiêng nước độc” mà giặc Pháp làm nơi đày biệt xứ tù chính trị, hay là nơi có trận đánh mở màn của cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam 1975. Tôi bắt đầu thấy tự hào về mảnh đất mà mình đang sống và làm việc, không chỉ vì lịch sử mà còn vì sự yêu mến, ngưỡng mộ của bạn bè gần xa.
Thế rồi cùng với sự cuốn hút của công việc mới, tôi cũng dần quên đi cái ngày cuối cùng của thời hạn 5 năm trở về đồng bằng, để cho đến hôm nay Buôn Ma Thuột trở thành quê hương thứ hai tròn 43 năm!
Không thể kể hết những biến cố, những đổi thay của một vùng đất trong gần nửa thế kỷ qua kể từ khi tôi đặt chân đến: Từ một thị xã sau chiến tranh còn lắm bộn bề, Buôn Ma Thuột trở thành một đô thị cấp I, và đang khẳng định vị thế đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Nhưng những thời khắc đầu tiên ấy còn in đậm trong tôi, nó giúp tôi xác tín một điều rằng, Buôn Ma Thuột sẽ là hình ảnh tiêu biểu nhất cho lịch sử 120 năm hình thành và phát triển của tỉnh Đắk Lắk.
Dương Thế Hoàn
Ý kiến bạn đọc